Đắk Nông: Tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, chống tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Đắk Nông: Tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, chống tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ biết áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn là 3,1%, trong đó, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 4,6%/năm và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 4,58%/năm. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh còn 29.870 hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ 21,52% so với tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó: hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số có 16.579 hộ, chiếm 55,65% so với tổng số hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có 7.143 hộ, chiếm 43,08% so với tổng số hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ giống cây cho đồng bào M'nông ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) theo Chương trình 102. Ảnh: Hồ Mai
Hỗ trợ giống cây cho đồng bào M'nông ở xã Đắk Ha (Đắk Glong)
theo Chương trình 102. Ảnh: Hồ Mai
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Một số chính sách còn mang nặng tính bao cấp nên phát sinh tư tưởng ỷ lại, nhiều địa phương, hộ dân muốn được vào danh sách nghèo để được trợ giúp. Cách tiếp cận đa chiều về giảm nghèo còn hạn chế, do đó mức hỗ trợ về giáo dục, y tế đối với hộ nghèo còn nhỏ so với nhu cầu của hộ nghèo.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, để công tác xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo đạt hiệu quả thì trước hết cần làm tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện lồng ghép các chính sách nhằm tập trung nguồn lực để đạt hiệu quả cao, tránh dàn trải phân tán.

Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách xã hội khác; quan tâm giải quyết việc làm, các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường,... đặc biệt là các điều kiện phát triển sản xuất như: đất, nguồn vốn, kỹ thuật, phương tiện; Phải làm cho người nghèo, hộ nghèo tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo bền vững.
 Bên cạnh đó cần huy động đa dạng các nguồn lực của xã hội để tập trung chăm lo công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Cụ thể là tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, mọi tầng lớp xã hội, thành phần kinh tế để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho công tác xóa đói, giảm nghèo.

Ưu tiên các nguồn lực và tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết nối giao thông, tổ chức bố trí dân cư sống đan xen tại các bon, buôn đặc biệt khó khăn, bon, buôn đông đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế phải hài hòa với các vấn đề xã hội và môi trường, gắn lợi ích kinh tế của các tổ chức, cá nhân với lợi ích của cộng đồng xã hội, nhất là các dự án trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số tại các bon, buôn. Đây là chìa khóa để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Khi trình độ dân trí được cải thiện và nâng cao thì các cấp, các ngành tổ chức thực hiện các chính sách mới đạt hiệu quả và khi đó đồng bào dân tộc thiểu số mới thực sự tiếp cận, thụ hưởng các chính sách đầy đủ nhất. Trong đó, cần chú trọng công tác giáo dục mầm non, tiểu học, đào tạo nghề, khuyến nông viên, tăng cường nguồn nhân lực đối với các địa phương có tỷ lệ nghèo cao, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Cấp ủy và chính quyền địa phương cũng cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục cộng đồng để thay đổi các phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số như sinh đông con, tiêu dùng không hợp lý… Trên thực tế hiện nay đa số lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm phục vụ sản xuất, kiến thức về đời sống, vệ sinh môi trường,…Thông qua thông tin, truyền thông và giáo dục cộng đồng để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, điều chỉnh tiêu dùng hợp lý, tích lũy và đầu tư phát triển kinh tế.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm