Đắk Nông nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số

Đắk Nông nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, năm 2021, tỉnh đứng thứ 41/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số và đứng thứ 4/5 tỉnh Tây Nguyên về chỉ số này. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đang được Đắk Nông tập trung triển khai thực hiện với quyết tâm cao và nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, ưu tiên đầu tư, cải thiện hạ tầng số, nhân lực số.

Đắk Nông nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số ảnh 1 Dự án điện gió đầu tiên ở Đắk Nông được hoàn thành. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Đắk Nông đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; 100% cơ sở giáo dục đã kết nối internet băng thông rộng; sóng 4G đã phủ đến 97% bon, buôn (và đơn vị tương đương); tỷ lệ người dân sử dụng internet hơn 73%; tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh hơn 84%... Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình có băng thông rộng cố định chỉ đạt hơn 50%; tỷ lệ hộ có máy tính chỉ hơn 23%... Toàn tỉnh vẫn còn một số vùng lõm sóng viễn thông, như các cụm dân cư 6, 8, 9 (xã Đắk R’Măng), bon B’Nơm (xã Đắk Plao, đều thuộc huyện Đắk G’Long).


Tương tự, các chỉ số nhân lực số, chính quyền số của tỉnh Đắk Nông cũng ở mức thấp so với cả nước. Năm 2021, tỉnh xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố về nhân lực số; xếp thứ 52/63 về chính quyền số.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa hiểu sát nhiệm vụ chuyển đổi số cơ quan, đơn vị mình nên chưa có sự chủ động trong triển khai. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế cũng gây ra không ít khó khăn, nhất là các chỉ số tỷ lệ máy tính/cán bộ; thiết bị tại bộ phận một cửa; thiết bị mạng… Đặc biệt, cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số với khoảng 40% chưa có điện thoại thông minh; 85% chưa có internet cố định; 40% chưa có internet di động… đang thực sự là những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số.

Để khắc phục tình trạng này, trước tiên, Đắk Nông cụ thể hóa các nhiệm vụ chuyển đổi số và giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện, định kỳ báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi, tháo gỡ. Đồng thời, giao các đơn vị bố trí kinh phí theo quy định, lên kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nhân sự đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số. Tỉnh cũng tập trung ưu tiên đầu tư, cải thiện hạ tầng số cho người dân, trong đó tập trung nâng cao tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh, internet… và tập trung xóa các vùng lõm cũng như nâng cao chất lượng, độ ổn định của sóng viễn thông tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…



Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm