Đắk Nông nghiên cứu các chính sách, chương trình đặc thù cho hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số

Đắk Nông nghiên cứu các chính sách, chương trình đặc thù cho hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Dân tộc (Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông) vừa tiến hành khảo sát về tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021.

Đắk Nông nghiên cứu các chính sách, chương trình đặc thù cho hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) quyết tâm biến nông nghiệp thành "mũi nhọn", chú trọng đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: Nguyên Dung-TTXVN

Trên cơ sở khảo sát thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của Nhà nước; chú trọng gắn kết, lồng ghép các chính sách hỗ trợ để phát huy thêm hiệu quả. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, tham mưu các chính sách, chương trình đặc thù cho hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo khảo sát, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có gần 18.300 hộ nghèo, chiếm hơn 11% tổng số hộ dân. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số gần 12.800 hộ, chiếm gần 28% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đắk Nông hiện có 40 dân tộc anh em cùng chung sống. Địa phương có 46/71 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 143 thôn và các đơn vị hành chính tương đương thôn đặc biệt khó khăn; có hơn 212.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 31% dân số toàn tỉnh.

Đắk Nông luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong các nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ dân thoát nghèo, trong đó có gần 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh được triển khai đầy đủ, kịp thời; có tác động tích cực tới đời sống của đồng bào và giúp họ có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, học tập, lao động, sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững hơn. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2020, toàn tỉnh đã có hơn 2.900 hộ tự nguyện làm đơn cam kết thoát nghèo.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn là nơi khó khăn nhất bởi chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế, trình độ sản xuất còn thấp. Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Đắk Nông có gần 350 hộ dân tái nghèo, trong đó có hơn 270 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do việc tách hộ dẫn tới thiếu đất sản xuất, thiếu lao động, thiếu việc làm. Một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; gia đình có người ốm đau, bệnh hiểm nghèo…

Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm