Đắk Nông kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bạch hầu

Tất cả người, phương tiện ra vào khu cách ly đều được rửa tay, vệ sinh tiêu độc và kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Tất cả người, phương tiện ra vào khu cách ly đều được rửa tay, vệ sinh tiêu độc và kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Tính đến ngày 30/6, Đắk Nông đã trải qua 7 ngày không phát sinh ca mới dương tính với vi khuẩn bạch hầu, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Ngành Y tế đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong bối cảnh vẫn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.

Đắk Nông kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bạch hầu ảnh 1Tất cả người, phương tiện ra vào khu cách ly đều được rửa tay, vệ sinh tiêu độc và kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

*Gõ cửa từng nhà cấp thuốc

Vượt qua chặng đường gần 100 km từ thành phố Gia Nghĩa, chúng tôi mới đến được xã Quảng Hòa, nơi được coi là "tâm dịch" bạch hầu của tỉnh Đắk Nông. Có số ca được ghi nhận dương tính nhiều nhất, Quảng hòa là nơi cả hệ thống chính trị đang chung tay với ngành Y tế triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh tay để kiểm soát, ngăn chặn bệnh bạch hầu.

Theo Sở Y tế Đắk Nông, trong tháng 6, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 12 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Cụ thể, 4 ca tại huyện Krông Nô được phát hiện trong các ngày từ 3 - 8/6; 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hòa và Đắk R’Măng (huyện Đắk G’long) từ ngày 18 – 22/6. Đáng chú ý, trong số đó đã có 1 trường hợp tử vong là bệnh nhân nữ 9 tuổi trú tại thôn 6, xã Quảng Hòa.

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk G’Long cho biết, sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu chiều 19/6, Trung tâm Y tế huyện Đắk G’long đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Đảng ủy, UBND xã Quảng Hòa tiến hành rà soát, truy vết các đối tượng có tiếp xúc, liên quan tới bệnh nhân tử vong để tiến hành các biện pháp xử lý kịp thời. Từ 19 giờ ngày 19/6, ngành Y tế đã thành lập 2 chốt cách ly toàn bộ các hộ dân tại đội 2, thôn 6, xã Quảng Hòa; khám sàng lọc cho tất cả người dân trong thôn 6 và thôn 8 liền kề. Song song với đó là tiến hành phun thuốc khử khuẩn toàn bộ xã, nhất là tại các gia đình phát hiện bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu và các hộ dân lân cận.

"Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Sở Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và các đơn vị liên quan. Sự chủ động, phối hợp của chính quyền địa phương cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong nỗ lực chung nhằm kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát nguồn lây ngay từ thời điểm phát hiện các trường hợp dương tính đầu tiên

Đắk Nông kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bạch hầu ảnh 2 Ngành y tế mượn tạm lớp học để tổ chức điều tra dịch tễ, khám, điều trị bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN phát


Ông Nguyễn Bá Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa cho biết, bên cạnh các giải pháp khẩn cấp, kịp thời của ngành Y tế, chính quyền địa phương cũng triển khai sớm các biện pháp để hạn chế việc người dân hoang mang, lo lắng. Ngay sau khi tổ chức cách ly, chính quyền địa phương đã tiến hành phát gạo hỗ trợ cho người dân với định mức đầu tiên là 5kg/khẩu/tuần. Các mặt hàng thực phẩm khác cũng được chú trọng đưa đến 2 đầu chốt cách ly để cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu.

"Chúng tôi phối hợp với cán bộ y tế, đến gõ cửa từng nhà, gặp từng người dân, cấp thuốc và giám sát để họ uống xong mới đi nhà khác. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sót, lọt, hoặc người dân nhận thuốc nhưng không uống. Việc cán bộ lãnh đạo xã đi cùng với cán bộ y tế khiến người dân tin tưởng, bớt hoang mang lo lắng, nhất là khi xã xảy ra trường hợp tử vong đầu tiên do bạch hầu chiều 19/6" – ông Nguyễn Bá Thủy khẳng định.

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng cho biết, ngay sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với vi khuẩn bạch hầu, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, việc đi lại, tiếp xúc với các hộ dân tại cụm dân cư số 12 (nơi phát hiện trường hợp dương tính đầu tiên) rất khó khăn. Bởi đây là cụm dân cư nằm trong rừng, xe ô tô không đi vào được, xe gắn máy cũng phải mất 2 – 3 ngày mới tiếp cận được hết các hộ dân trong cụm.

Cũng theo cán bộ y tế và chính quyền địa phương tại các xã Quảng Hòa, Đắk R’Măng, công tác vận động tuyên truyền bà con tham gia tiêm chủng mở rộng rất khó khăn. Nhiều hộ dân di cư đến đây từ các vùng xa xôi, tại các tỉnh biên giới phía Bắc, bản thân họ không biết trạm y tế xã, khám chữa bệnh, tiêm thuốc… là gì nên rất khó vận động tiêm chủng. Mỗi khi có trường hợp trẻ em sau khi tiêm vắc xin (bạch hầu cũng như các loại vắc xin khác – PV) bị sốt nhẹ thì người dân càng sợ, càng khó vận động. Tại xã Đắk R’Măng, tỷ lệ tiêm chủng tại một số cụm dân cư chỉ đạt khoảng 40%. Nhiều hộ dân ở sâu trong rừng, đi vào tới nơi phải mất 2 – 3 ngày nên rất khó tiếp cận để tiêm vắc xin. Nhiều hộ dân tại các xã Quảng Hòa, Đắk R’Măng thậm chí còn viết, rồi ký giấy không đồng ý tiêm chủng. Gặp những trường hợp như vậy, cán bộ y tế cũng không dám tiêm vắc xin…

Đắk Nông kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bạch hầu ảnh 3 Nhân viên y tế hướng dẫn trẻ em tại xã Quảng Hòa uống thuốc phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN phát

Dịch trong tầm kiểm soát

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông khẳng định, đến ngày 28/6, ngành Y tế Đắk Nông đã cơ bản hoàn thành việc uống thuốc kháng sinh phòng chống dịch và bắt đầu triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân. Từ ngày 22/6 đến nay, Đắk Nông không ghi nhận ca mới dương tính với vi khuẩn bạch hầu và dịch bạch hầu đang nằm trong tầm kiểm soát.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, kết quả bước đầu trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu là rất quan trọng. Kết quả này đạt được nhờ sự nỗ lực của toàn ngành Y tế Đắk Nông, sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như của từng người dân. Ngành Y tế Đắk Nông sẽ tiếp tục triển khai động bộ các giải pháp để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu, không để bùng phát, hoặc xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch" đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế.

Hiện nay, ngành Y tế Đắk Nông đang phối hợp với chính quyền địa phương khám sàng lọc cho người dân trong khu vực có nguy cơ cao, nhất là tại 2 xã Quảng Hòa, Đắk R’Măng (huyện Đắk G’long). Các cán bộ y tế cũng tập trung cho công tác vệ sinh tiêu độc, khử khuẩn, đảm bảo triệt tiêu mầm bệnh, không để phát sinh các ca nhiễm mới. Về lâu dài, ngành Y tế sẽ triển khai điều tra tổng thể công tác tiêm chủng mở rộng để có các số liệu xác thực hơn. Trên cơ sở đó, ngành sẽ có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn trong phòng, chống các loại dịch bệnh.

Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh, Đoàn công tác của Bộ Y tế hỗ trợ thêm cho ngành Y tế Đắk Nông trong hoạt động phòng chống dịch, trong bối cảnh Đắk Nông là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Hiện nay, bên cạnh bạch hầu, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét… vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cộng đồng.

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk G’Long cho biết, qua rà soát, ngành Y tế đã xác định hơn 800 đối tượng liên quan tới các ca dương tính để theo dõi tại cộng đồng. Với các giải pháp quyết liệt, kịp thời, ngành Y tế tự tin đã kiểm soát được các ổ dịch tại 2 xã Quảng Hòa, Đắk R’Măng.

Đắk Nông kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh bạch hầu ảnh 4Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (thứ 3, từ trái sang) kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa vào chiều 28/6. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Ngày 28/6 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã có chuyển kiểm tra thực tế về công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao tỉnh Đắk Nông đã kịp thời triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu khá đồng bộ, theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ kịp thời trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống dịch. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và ngành Y tế Đắk Nông để ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát đợt hai tại địa bàn. Bên cạnh đó, các lực lượng tham gia chống dịch tại Đắk G’long cần áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc khống chế thành công dịch COVID-19 để ngăn chặn dịch bạch hầu tại địa phương.

Liên quan tới các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ về các nội dung, nhất là các vấn đề liên quan đến ổn định dân di cư không theo quy hoạch; việc tăng cường nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế cho các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số… trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao.

Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm