Đắk Nông hỗ trợ tiêu thụ hơn 11.000 tấn nông sản cho dân

Nông sản, rau củ, lương thực, thực phẩm là các mặt hàng chính tại gian hàng 0 đồng . Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Nông sản, rau củ, lương thực, thực phẩm là các mặt hàng chính tại gian hàng 0 đồng . Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nông sản của tỉnh bị tồn đọng, khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ và bước đầu đã giới thiệu, kết nối tiêu thụ được hơn 11.000 tấn nông sản.

Theo đó, số sản lượng nông sản được tỉnh Đắk Nông hỗ trợ có gần 4.000 tấn rau củ quả các loại, trên 5.000 tấn sầu riêng và gần 3.000 tấn bơ. Cùng đó, có 7 sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của hệ thống OCOP toàn quốc.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, Sở đã chủ động thành lập Tổ công tác hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản gồm 18 cán bộ, chia theo khu vực để trực tiếp về cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tìm giải pháp tiêu thụ nông sản. Dựa trên tình hình thực tế, Tổ công tác nắm bắt tình hình thu hoạch, tiêu thụ nông sản và những khó khăn của người dân. Từ đó, ngành nông nghiệp có những kế hoạch kịp thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tháo gỡ.

Đắk Nông hỗ trợ tiêu thụ hơn 11.000 tấn nông sản cho dân ảnh 1Nông sản, rau củ, lương thực, thực phẩm là các mặt hàng chính tại gian hàng 0 đồng . Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh đã thành lập nhóm “Nông sản Đắk Nông” trên các ứng dụng của mạng xã hội như: Zalo, Facebook với sự tham gia hơn 1.000 thành viên. Tại đây, các thương lái, đại lý thu mua, nhà vườn, đơn vị vận chuyển trao đổi thông tin về kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiệu quả, giá cả ổn định. Nhờ đó, bình quân mỗi đại lý kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân từ 150-300 tấn/tháng.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, ngoài các khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ khiến cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa qua lại giữa các địa phương hạn chế.

Tại tỉnh Đắk Nông, quy mô sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất. Đó là, hệ thống giao thông nội vùng, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, kho bảo quản, nhà máy chế biến… còn hạn chế; tổ chức liên kết sản xuất còn yếu và chưa hiệu quả. Đa số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu gom qua thương lái nên khó khăn trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều, rủi ro cao…

Theo thống kê Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tỉnh có hơn 11.000 ha canh tác rau, củ, quả, trái cây các loại, với tổng sản lượng khoảng 134.000 tấn/năm. Sản lượng thu hoạch còn lại trong thời gian từ nay đến tháng 11 khoảng 75.000 tấn. Trong đó, bơ khoảng 9.000 tấn; sầu riêng khoảng 18.000 tấn; rau củ các loại khoảng 48.000 tấn.

Hiện nay, Đắk Nông có khoảng 43.000 tấn rau củ quả, sầu riêng và bơ cần tiêu thụ, ước khoảng 900 tấn/ngày.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh ưu tiên đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ chức hợp tác… đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử. Điều này nhằm thúc đẩy ứng dụng số để kết nối, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt phụ thuộc vào khâu trung gian, nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm