Đắk Nông định hình ngành công nghiệp mới

Đắk Nông định hình ngành công nghiệp mới
Vận chuyển alumin tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: Hưng Thịnh-TTXVN
Vận chuyển alumin tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: Hưng Thịnh-TTXVN

Đây được coi là cơ sở để Đắk Nông chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng của công nghiệp – thương mại, tạo nguồn lực lâu dài, bền vững để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2018 là năm thứ hai nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động chính thức và ghi dấu nhiều kết quả vượt trội. Ngày 26/12/2018, Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đã tổ chức chào đón tấn alumin thứ 650.000 trong năm. Đây là kết quả vượt nhiều dự đoán, dự kiến và là một điểm sáng thực sự trong một năm nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Hoàng Khải Quốc Minh, Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, theo tính toán ban đầu, phải đến năm thứ 3 Nhà máy Alumin Nhân Cơ mới đạt công suất thiết kế nhưng với con số 650.000 tấn trong năm 2018, Công ty đã vượt tính toán ban đầu 1 năm 6 tháng.

Đáng chú ý hơn, các vấn đề an toàn trong vận hành máy móc, bảo vệ môi trường đều được đảm bảo. Đội ngũ cán bộ của Công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chỉ sau 6 tháng nhà máy chạy thử.

Giá alumin xuất khẩu trong năm 2018 cũng tăng cao và giữ ở mức ổn định. Dự báo trong các năm tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Cũng trong năm 2018, thị trường xuất khẩu alumin và các sản phẩm chủ lực tỉnh Đắk Nông được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng mạnh so với các năm trước.

Ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông khẳng định alumin là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông trong năm 2018 và các năm tới đây. Năm 2018 cũng là năm kim ngạch xuất khẩu tỉnh Đắk Nông lần đầu tiên cán đích 1 tỷ USD và đạt mức hơn 1,1 tỷ USD.

Dự kiến đến cuối năm 2019, nhà máy luyện nhôm của Công ty trách nhiệm hữu hạn luyện kim Trần Hồng Quân (Khu công nghiệp Nhân cơ, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp) sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư trên 700 triệu USD. Nhà máy có diện tích gần 130ha, công suất thiết kế hơn 450.000 tấn nhôm mỗi năm. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng alumin của Nhà máy alumin Nhân Cơ và một phần sản lượng của Nhà máy alumin Tân Rai; đồng thời sẽ cung cấp đủ toàn bộ lượng nhôm cho thị trường trong nước thay vì phải nhập khẩu.

Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định việc đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ (với tổng số vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng) đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh Đắk Nông. Dự án cũng đã, đang và sẽ tạo ra thêm hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động địa phương; trong đó một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Sau gần 2 năm đi vào vận hành, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng đóng thuế cho ngân sách địa phương. Hoạt động khai thác bô xít, chế biến alumin phục vụ xuất khẩu và quá trình luyện nhôm đang góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Đắk Nông phát triển vượt trội.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trong quá trình sản xuất, Ban lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) cần chú trọng hơn nữa bảo vệ môi trường đồng thời phối hợp tốt hơn với các ngành chức năng, chính quyền các cấp và người dân để tạo ra sự đồng thuận cao hơn nữa trong giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống người dân trong diện thu hồi đất.

Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và nhà máy điện phân nhôm của Công ty Trần Hồng Quân đang góp phần định hình cho một ngành công nghiệp mới và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Sự định hình này thể hiện qua hai vấn đề chính, thứ nhất là việc hình thành một công nghiệp khai thác, chế biến bô xít, luyện nhôm, các ngành phụ trợ; và thứ hai là đóng góp hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực khác và thực hiện an sinh xã hội.
Hưng Thịnh

Có thể bạn quan tâm