Đắk Nông: Đa dạng các hình thức giáo dục pháp luật cho thanh niên

Đắk Nông: Đa dạng các hình thức giáo dục pháp luật cho thanh niên
Đoàn viên, thanh niên tham gia Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” tại Trại giam Đắk P’lao. Ảnh: Đức Hùng
Đoàn viên, thanh niên tham gia Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” tại Trại giam Đắk P’lao. Ảnh: Đức Hùng
Thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015”, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 15 lớp tập huấn tuyên truyền phòng, chống ma túy với 840 lượt học viên tham gia; 12 lớp tập huấn kiến thức về an toàn giao thông và 6 ngày hội an toàn giao thông cho hơn 7.600 lượt học sinh, thanh niên; trao tặng hơn 2.000 sổ tay về luật Giao thông đường bộ. Công tác tuyên truyền trực quan cũng được quan tâm, toàn tỉnh treo được 235 băng rôn và phát gần 5.000 tờ rơi có nội dung về phòng chống ma túy, HIV/AIDS, các bộ luật quan trọng…

Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, Tỉnh đoàn thành lập 68 đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”. Các Đội thanh niên tình nguyện đã phân công đoàn viên, thanh niên tiến bộ kèm cặp, cảm hóa giáo dục thanh niên cá biệt, chậm tiến, trên cơ sở tìm hiểu, nắm chắc hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân dẫn đến tệ nạn, vi phạm pháp luật.

Từ đó, tùy theo điều kiện của mình, các tổ chức Đoàn có hình thức giúp đỡ phù hợp như: định hướng, giới thiệu việc làm, vận động tham gia các hoạt động tập thể. Hiện tại các cơ sở đoàn đã và đang cảm hóa, giúp đỡ 103 thanh niên hoàn lương, chậm tiến, tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Lê Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cho biết: “Hoạt động của các Đội thanh niên tình nguyện đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần. Đó là nơi thanh niên sau cai nghiện, hoàn lương, thanh niên chậm tiến, cá biệt tại cộng đồng có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng chính đáng, giúp nhau cùng tiến bộ”.   

Tuy nhiên, theo đánh giá thì hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn. Một số đơn vị, địa phương vẫn còn nhận thức đây là công tác của riêng Ðoàn thanh niên. Vì vậy, sự quan tâm và đầu tư cho công tác này chưa được bảo đảm. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung thiết thực mà thanh, thiếu niên cần.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chậm đổi mới, chưa theo kịp tình hình. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng, dẫn tới hiệu quả còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật là do thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, việc phổ biến, giáo dục cho thanh niên là nhiệm vụ quan trọng đối với tổ chức Đoàn cũng như xã hội.

Để hoạt động này có được kết quả như mong muốn, ngoài vai trò của tổ chức Đoàn, một số ngành chức năng thì rất cần sự quan tâm đầu tư và tham gia tích cực, chủ động của toàn xã hội. Các hoạt động liên quan đến công tác này cần được triển khai thực chất, có kế hoạch riêng và thước đo sự thành công phải được thể hiện bằng ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên trong thực tế cuộc sống...
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm