Đắk Lắk xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Đắk Lắk xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 10/12, tại thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Đắk Lắk xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, việc tổ chức hội nghị này nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thúc đẩy kích cầu du lịch tỉnh Đắk Lắk đến thị trường các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, mở rộng hợp tác, kết nối, quảng bá, khẳng định thương hiệu du lịch Đắk Lắk trên thị trường du lịch, góp phần quảng bá, xúc tiến những tiềm năng, sản phẩm và dịch vụ du lịch của Đắk Lắk nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng đến với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Đắk Lắk xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, đại diện các công ty du lịch lữ hành và cơ sở lưu trú tập trung đánh giá cơ hội hợp tác và đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy kết nối du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ. Ông Đinh Minh Tuấn, Phó Tổng Thư ký thường trực Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) cho rằng, Đắk Lắk đang chuyển mình và thay đổi trên nhiều lĩnh vực, đây là tiềm năng để phát triển du lịch. Nhiều khách du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển hướng đến Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Theo ông Đinh Minh Tuấn, để du lịch Đắk Lắk phát triển, tỉnh nên tiếp tục đầu tư cho hệ thống giao thông, có nhiều đường bay hơn kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn đánh giá, thị trường du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Củu Long với tỉnh Đắk Lắk rất giàu tiềm năng. Tuy nhiên, muốn kết nối các tour, tuyến du lịch khai thác tiềm năng giữa các địa phương phải có đơn vị, phương tiện giao thông vận chuyển và phải có đường bay thẳng kết nối. Cần Thơ đã phối hợp với các hãng hàng không và xúc tiến đường bay đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thành phố đã ký kết với Vietnam Airlines để mở lại đường bay Cần Thơ - Đắk Lắk.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, tỉnh có dân số có trên 2 triệu người, 49 dân tộc như Kinh, Êđê, M’nông, J’rai, Mường, Tày, Nùng, Dao, Thái, Mông... Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, phong phú và đa dạng. Vì thế, tỉnh Đắk Lắk có sự đa dạng, phong phú về văn hóa truyền thống các vùng miền. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đắk Lắk xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3Ông Đinh Minh Tuấn, Phó Tổng Thư ký thường trực Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh Đắk Lắk có giá trị cao gắn liền với sự đa dạng bản sắc dân tộc với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội, ẩm thực. Đắk Lắk còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn có khả năng đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 234 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, có 33 khách sạn được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao, 60 khách sạn chưa xếp hạng, 134 nhà nghỉ, nhà khách, homestay, điểm cắm trại; 30 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch; 28 khu, điểm tham quan du lịch; đã cấp 124 thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Với những tiềm năng, lợi thế và cơ sở vật chất nói trên, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch. Tỉnh đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc xây dựng, phát triển những sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… và đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Đắk Lắk.

Năm 2022, lượt khách và doanh thu du lịch tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng số khách đón tiếp ước đạt 999.500 lượt khách, tăng 141,16%; doanh thu du lịch ước đạt 837 tỷ đồng, tăng 136,03%.

Đắk Lắk xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 4Đại diện Hiệp hội Du lịch các địa phương ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Dịp này, Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Du lịch các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Long An đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm