Đắk Lắk xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, ngành Du lịch tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, có chiều sâu để kích cầu du lịch, mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk thành “Điểm đến an toàn, thân thiện, giàu bản sắc”.

Dak Lak xay dung san pham du lich dac sac de phuc vu du khach hinh anh 1Cổng vào điểm du lịch Buôn Đôn nổi tiếng. Ảnh : .vntrip.vn



Tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề như: Tour du lịch văn hóa cồng chiêng, thưởng thức tác phẩm ca kịch “Trường ca Đam San”; du lịch trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và thưởng thức các loại cây cà phê, ca cao, mắc ca; tour trải nghiệm chế tác quà tặng lưu niệm làm từ cây cà phê, quả bầu khô. Tận dụng lợi thế về địa hình đồi núi và thác ghềnh hùng vĩ, tỉnh xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm như: chèo thuyền kayak vượt thác ghềnh sông Sêrêpôk, đi xe đạp hoặc mô tô địa hình, leo núi, cắm trại trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, đỉnh núi Gia Long – thác Dray Nur, Rừng đặc dụng Nam Ka, Rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk.

Tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển mô hình du lịch thân thiện với voi; đồng thời xây dựng hoạt động phục vụ du khách vui chơi giải trí về đêm như phố đi bộ, chợ đêm, ẩm thực, mua sắm, giao lưu văn hoá cồng chiêng… tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và các điểm du lịch có tiềm năng. Về dịch vụ, tỉnh ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp, hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái, hệ thống cơ sở lưu trú; nhất là cơ sở lưu trú tại một số buôn du lịch cộng đồng. Đồng thời, gắn kết sản phẩm du lịch với Công viên địa chất toàn cầu - Hang đá núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) nhằm tạo chuỗi sản phẩm đặc sắc cho địa phương và khu vực.

Điểm nhấn được tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng là tour “Caraval - Tây Nguyên huyền thoại” được ngành Du lịch các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ và du lịch VND Travel (tỉnh Bình Định) khảo sát, xây dựng sản phẩm trong tháng 2/2022. Đoàn Caravan (nhóm lữ hành đi du lịch bằng phương tiện cá nhân hoặc thuê ô tô tự lái qua nhiều khu vực, quốc gia) là trào lưu du lịch mới, đang là xu hướng lựa chọn của du khách. Do đó, tour “Caravan - Tây Nguyên huyền thoại” được kỳ vọng là sản phẩm du lịch hoàn thiện “biển rừng hội ngộ”, giá cả hợp lý để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần đưa du lịch Đắk Lắk khởi sắc trong thời gian tới.

Song song với xây dựng sản phẩm du lịch mới, ngành Du lịch Đắk Lắk tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ tại các khu, điểm du lịch. Tỉnh hỗ trợ, đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay tại 8 buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông. Đồng thời, tỉnh phát triển làng nghề, nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm gốm, đan lát mây tre, tạc tượng gỗ dân gian, sản xuất rượu cần… để hỗ trợ sinh kế cho người dân và trở thành sản phẩm đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu nhấn mạnh, tỉnh chủ trương phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế riêng như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, lễ hội. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư phát triển, mở rộng các sản phẩm du lịch sinh thái, thể thao, mạo hiểm tại thác Bìm Bịp, hồ Lắk, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Cụm thác Dray Sáp Thượng - Dray Nur... Tỉnh đầu tư chỉnh trang khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk, Di tích Nhà số 4 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại), các Di tích lịch sử quốc gia và khai thác, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Ngành Du lịch Đắk Lắk tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố đã hợp tác phát triển du lịch để thu hút du khách quốc tế; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Đắk Lắk; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; hướng dẫn khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành xây dựng sản phẩm theo hướng “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Mục tiêu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đón 905.000 lượt khách du lịch, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế.

Hoài Thu

Tin liên quan

Tín hiệu mừng của ngành Du lịch Đắk Lắk

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, sau thời gian dài bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Du lịch tỉnh đã khởi sắc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khi đón hơn 143.000 lượt khách tham quan, tăng 51,51% so với cùng kỳ. Trong đó, khách nội địa 142.745 lượt, khách quốc tế 260 lượt, tổng doanh thu đạt 8,46 tỷ, tăng 43,61% so với cùng kỳ.


Đắk Lắk xây dựng điểm đến an toàn để phục hồi, kích cầu du lịch

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có nhiều lợi thế về liên kết vùng và giàu tiềm năng phát triển du lịch. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngành Du lịch Đắk Lắk đang có những kế hoạch, giải pháp phục hồi trở lại, sẵn sàng đón khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch.


Đắk Lắk phục hồi hoạt động du lịch

Tỉnh Đắk Lắk có tài nguyên du lịch đa dạng, đang khai thác theo hướng du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, vườn rừng kết hợp trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử cách mạng, tâm linh, lễ hội.


Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên

Ngày 9/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại tỉnh Đắk Lắk năm 2020 nhằm khôi phục lại mức tăng trưởng cho ngành kinh tế quan trọng này sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.



Đề xuất