Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị

Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 tác động kéo dài, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Với quyết tâm, chung sức, vượt khó, sáng tạo, ngành nông nghiệp đã đạt kết quả khá toàn diện, tiếp tục khẳng định sứ mệnh "trụ đỡ" của nền kinh tế.

* Về đích ngoạn mục

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk duy trì phát triển và đạt kết quả tốt. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 21.217 tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch; tăng 5,66% so với năm 2021, cao gấp 1,8 lần so với bình quân chung cả nước.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp của ngành đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng đạt gần 679.000 ha, tăng 16.283 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 23.656 tấn so với năm 2021. Thuỷ lợi đã đảm bảo tưới chủ động cho 83,28% diện tích cây trồng; chăn nuôi, đàn lợn và gia cầm được duy trì ổn định; tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 15,3 triệu con, tăng gần 1,3 triệu con so với năm 2021.

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị ảnh 1Nông dân Đắk Lắk vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2022. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Điểm nhấn nổi bật của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong năm 2022 là các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt trên 1.300 triệu USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 30,4% so với năm 2021, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022. Đặc biệt, sầu riêng, mắc ca Đắk Lắk đã chinh phục và xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính như Trung Quốc, Nhật Bản.

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị ảnh 2Năm 2022, sầu riêng Đắk Lắk đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: TTXVN phát

Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Y Djang Niê cho biết, đến nay, diện tích sầu riêng của huyện được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 747 ha. Năm 2022 là năm thành công của ngành nông nghiệp huyện khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Krông Pắk" và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 17 mã số vùng trồng, 3 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu.

"Ngoài ra, Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững của huyện ngày 2/9/2022 đã kêu gọi được 34 dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Huyện cũng đã thu hút hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh đến xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói phục vụ xuất khẩu các mặt hàng nông sản", ông Y Djang Niê nhấn mạnh.

Năm 2022 cũng là năm thành công của ngành hàng cà phê - mặt hàng nông sản chủ lực về năng suất, giá thành và sản lượng xuất khẩu. Giá cà phê nhân xô bình quân trên địa bàn tỉnh niên vụ 2021-2022 là 42.388 đồng/kg, tăng 24,1% so với giá bình quân niên vụ 2020-2021. Tổng sản lượng đạt 526.793 tấn, tăng 17.894 tấn so với niên vụ trước. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với 380.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 798 USD, chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị ảnh 3Vườn cà phê của gia đình anh Y Hưng Byă, buôn Pu Hue, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk là mô hình trồng xen canh cà phê và hồ tiêu cho hiệu quả, do Công ty TNHH Nestle Việt Nam chuyển giao kỹ thuật. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu cà phê với 106.404 tấn, đạt kim ngạch gần 220 triệu USD. Ông Thái Anh Tuấn - Phó tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, vượt qua những biến động của thị trường thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng 28% so với năm trước và phát triển lượng khách hàng mới tăng hơn 50%. Đặc biệt, đơn vị bám chắc địa bàn nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với các hợp tác xã, vùng nông nghiệp trọng điểm ở Tây Nguyên, tạo chuỗi cung ứng từ nông dân đến nhà xuất khẩu.

Những nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã giúp ngành cơ bản phục hồi sau đại dịch COVID-19, mang lại những "quả ngọt" trên nhiều lĩnh vực. Đó là tiền đề, động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục phấn đấu, đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

* Mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk phấn đấu giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 22.275 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 83,88% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 56,6%; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt 39,24%.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn. Ngoài ra, sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu. Phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc trong khâu tổ chức sản xuất, truy suất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị.

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị ảnh 4Vườn sầu riêng ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo Nguyễn Văn Hà cho biết, toàn huyện có gần 78.380 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có khoảng 65% diện tích đất bazan màu mỡ; 52 hồ thủy lợi lớn nhỏ. Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, chuỗi giá trị hàng nông sản của huyện chưa có nhiều sự tham gia sâu của khâu chế biến, bảo quản; liên kết trong sản xuất còn hạn chế, hình thức giản đơn.

Do đó, Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo Nguyễn Văn Hà đề nghị, cấp có thẩm quyền cần có chính sách tín chấp để hợp tác xã vay vốn, tạo cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư xây dựng các hồ chứa thủy lợi và kiên cố hóa các trục giao thông nội đồng. Mỗi vùng sản xuất cần lựa chọn một nhóm nông dân có tư duy tiến bộ hơn, đi tiên phong trong việc chuyển đổi cách làm nông nghiệp mới và hỗ trợ bà con.

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị ảnh 5Năm 2022, mắc ca huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Tư liệu/Hoài Thu – TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, ngành xác định sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới là nòng cốt, nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng hàng nông sản; huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.

Ngành chủ trương đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, thu hút doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân đầu tư vào sản xuất, chế biến nông lâm sản; tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai…

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị ảnh 6Nông dân huyện MĐrắk, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch mía. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, phải quán triệt và phát huy tư duy "kinh tế nông nghiệp", hướng tới nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp trách nhiệm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khai thác, phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thuỷ sản và kêu gọi đầu tư trung tâm chế biến nông sản Tây Nguyên đặt tại tỉnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần thực hiện tốt mối liên kết hợp tác giữa nông dân - hợp tác xã và doanh nghiệp. Đây là liên kết rất quan trọng, bảo đảm vận hành chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến thị trường có hiệu quả và bền vững.

Đắk Lắk xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị ảnh 7Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, tỉnh phải hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp trách nhiệm. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Năm 2023 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII. Ngoài những mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng từ đơn giá trị sang mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Do đó, cần có chiến lược để chủ động thích ứng với nền kinh tế thế giới thay đổi gắn liền với trách nhiệm của người sản xuất, của nông dân và doanh nghiệp.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm