Đắk Lắk thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ nước ngoài

Đắk Lắk thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ nước ngoài
Giai đoạn 2011-2015, tổng trị giá vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó, các dự án ODA tập trung chủ yếu tại các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, cấp nước, thủy lợi.... Trong bối cảnh nguồn vốn địa phương còn nhiều hạn chế, để xây dựng Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa khu vực Tây Nguyên,  nguồn vốn ODA có vai trò quan trọng, bổ sung một phần cho ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Những dự án (DA), công trình được tài trợ từ nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh đang từng bước góp phần cải thiện cơ bản và phát triển một bước cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Một số DA đang thu hút vốn lớn như: Phát triển các thành phố loại II tại Tam Kỳ, Hà Tĩnh, Buôn Ma Thuột; đường giao thông từ cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk) đến cảng Vũng Rô (Phú Yên), đã gửi đề cương tóm tắt cho Đại sứ quán Hàn Quốc, Nhật Bản, ADB, WB, JICA, và KOICA (theo kết luận 60-KL/TW ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị, DA sẽ được đầu tư từ nguồn TPCP); DA Quy hoạch và lập DA phát triển hạ tầng đô thị TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2010-2015 do JICA tài trợ... Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA cũng đang từng bước góp phần cải thiện cơ sở vật chất giáo dục, y tế  như: Nhà trẻ buôn Ea M'droh, xã Ea M'droh (Cư M'gar); Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, buôn K'lat, xã Ea Drông, (thị xã Buôn Hồ); 3 phòng lớp mẫu giáo ở buôn Đliê Ya A, xã Đliê Ya (Krông Năng); 8 phòng thuộc Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, xã Ea Bhốk (Cư Kuin), DA Nâng cấp trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc (2010-2015) của ADB, KOICA, JICA tài trợ...
 
Cầu Krông Kmar (huyện Krông Bông) được hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn của JICA đã đưa vào sử dụng năm 2014.
Cầu Krông Kmar (huyện Krông Bông) được hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn của JICA đã đưa vào sử dụng năm 2014.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, công tác vận động ODA và vốn vay ưu đãi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tỉnh đã chủ động nắm bắt định hướng của các nhà tài trợ, đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư các dự án vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông mang tính liên kết vùng, phát triển ba vùng kinh tế động lực, cải thiện môi trường đầu tư..., Cùng với đó, tỉnh đã vận động 33 khoản viện trợ NGO với tổng trị giá gần 17,8 triệu USD; thu hút được 182 DA đầu tư trong nước, với tổng vốn 16.511 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế đối ngoại vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc: tốc độ thu hút đầu tư của tỉnh (FDI) còn thấp so với nhu cầu phát triển của địa phương; lĩnh vực đầu tư của các DA nước ngoài chủ yếu là sơ chế nông, lâm sản, các sản phẩm còn đơn điệu, chưa tạo được giá trị tăng thêm cho sản phẩm; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư ngoài tỉnh còn thấp, chưa đi vào chiều sâu...

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đổi mới công tác vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư xã hội vào các lĩnh vực còn có dư địa phát triển; điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư để thu hút các nguồn vốn ODA, FDI cũng như vốn viện trợ phi chính phủ (NGO) đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn theo định hướng của địa phương, đặc biệt là đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng… sẽ là những giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài trợ từ bên ngoài và của địa phương nhằm tạo nền tảng quan trọng để tỉnh sớm trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.

Báo Đắk Lắk điện tử

Có thể bạn quan tâm