Đắk Lắk tháo gỡ khó khăn trong giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ

Đắk Lắk tháo gỡ khó khăn trong giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ
Bà Trần Thị Thoan (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) phát triển kinh tế chăn nuôi từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Huy - TTXVN
Bà Trần Thị Thoan (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) phát triển kinh tế chăn nuôi từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Huy - TTXVN

Thực  hiện  sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn là đất xấu, tầng đất canh tác mỏng, không sản xuất được, quá xa khu dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, đất ở. Thậm chí, cơ quan chức năng chỉ thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp trên “giấy” còn ngoài thực địa đã bị người dân lấn chiếm canh tác đã từ nhiều năm nay nên cũng khó thu hồi để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ.

Cụ thể, huyện Ea Súp đã lập phương án khai hoang đất sản xuất tại xã Ia R’lơi để cấp cho 188 hộ nhưng thực tế, đất trên thực địa đã bị người dân lấn chiếm xâm canh từ lâu. Tương tự huyện Buôn Đôn đã lập phương án khai hoang đất tại tiểu khu 439 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn để lấy đất cấp cho 283 hộ. Tuy nhiên, diện tích này cũng đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm canh tác từ lâu, huyện tuyên truyền vận động người dân trả lại nhưng không có kết quả…

Khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở tỉnh Đắk Lắk đã có nguyện vọng được hỗ trợ chuyển đổi nghề, hoặc hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi đại gia súc…tăng thu nhập, ổn định đời sống. Tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 9.987 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, đất ở của các huyện Krông Pắk, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Búk, Ea H’leo…có nhu cầu chuyển đổi nghề, hỗ trợ đất sản xuất, với tổng kinh phí 125,849 tỷ đồng. Mặc dù đề án đã được phê duyệt nhưng hiện nay, các Bộ, ngành Trung ương vẫn chưa bố trí kinh phí nên đề án vẫn chưa triển khai thực hiện.

Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương sớm bố trí vốn để địa phương thực hiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ thiếu đất sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xóa nghèo, ổn định đời sống.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 8.097 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ thiếu đất ở, với tổng diện tích hơn 165 ha và 9.878 hộ thiếu đất sản xuất, với tổng diện tích hơn 5.576 ha.

Trong  hơn 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết đất ở cho 5.531 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với diện tích 144,5 ha, bình quân mỗi hộ 260 m2 và  giải quyết đất sản xuất cho 7.737 hộ thiếu đất sản xuất, với tổng diện tích trên 2.771 ha. Có đất ở, đất sản xuất, đồng bào đã xây dựng nhà, đầu tư phát triển sản xuất, có thu nhập, từng bước ổn định đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Quang Huy

Có thể bạn quan tâm