Đắk Lắk tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đắk Lắk tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa thông qua nghị quyết về chỉ tiêu, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đắk Lắk tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Tiết mục văn nghệ chiêng tre chào mừng khai giảng của học sinh Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú N'Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh thống nhất đầu tư hơn 2.258 tỷ đồng để thực hiện các chương trình; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.038 tỷ đồng, ngân sách địa phương 220 tỷ đồng.

Với nguồn vốn hơn 2.258 tỷ đồng, HĐND tỉnh bố trí phân bổ thực hiện 8 dự án thành phần gồm: hơn 133 tỷ đồng để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hơn 705 tỷ đồng quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; 31,7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư; 1.053 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… HĐND tỉnh yêu cầu phấn đấu thực hiện 30% số dự án đầu tư được khởi công mới; các dự án được lựa chọn phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng giao UBND tỉnh và các đơn vị chức năng liên quan tổ chức triển khai, giám sát việc thực hiện nghị quyết đảm bảo hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Đắk Lắk hiện có gần 1,9 triệu người gồm 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Toàn tỉnh có 54 xã khu vực III; 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm xuống 3,5%; 26 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (chiếm 48,1%); 42 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm