Đắk Lắk tăng cường hiệu quả cấp và quản lý mã số vùng trồng

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 51.798 ha cây ăn quả; trong đó, sầu riêng là cây chủ lực với diện tích 22.458 ha. Nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Dak Lak tang cuong hieu qua cap va quan ly ma so vung trong hinh anh 1Du khách tham quan gian hàng tại Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, chủ động phối hợp triển khai, hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về quy định của nước nhập khẩu cho các địa phương, tổ chức, cá nhân biết để chủ động thực hiện; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu; giám sát đột xuất vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số…

UBND tỉnh Đắk Lắk giao UBND cấp huyện chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân với đơn vị xuất khẩu; giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế là cơ quan đầu mối cấp huyện triển khai công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu, cung cấp thông tin dự báo thị trường để các sở, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội sầu riêng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu; vận động hội viên, nhân dân nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.

Đối với chủ sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia; nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, chủ sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói chủ động bảo vệ mã số của mình nhằm hạn chế tình trạng giả mạo, lấy cắp mã số vùng trồng. Riêng đối với chủ sở hữu mã số cơ sở đóng gói phải kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu và là thông lệ quốc tế.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản nhằm đưa hoạt động cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản đi vào thực chất, hiệu quả; góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp, bền vững, từng bước nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.

Ngoài ra, việc ban hành kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng vùng trồng tập trung, thiết lập mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu; xây dựng thương hiệu nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…

Tỉnh Đắk Lắk có 63 mã số vùng trồng đã được phê duyệt trên các loại cây trồng như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, chuối, ớt để xuất khẩu; 9 mã số cơ sở đóng gói trên các loại quả tươi và 14 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phê duyệt.

Hoài Thu

Tin liên quan

5 vùng trồng sầu riêng của Bà Rịa - Vũng Tàu được cấp mã vùng

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có thông báo của Cục Bảo vệ thực vật về vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, đợt này, tỉnh có 5 vùng trồng sầu riêng, với diện tích 124,2 ha được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số vùng trồng.


Quản lý mã vùng trồng tăng giá trị cây sầu riêng

Bình Phước là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn; trong đó, hàng nghìn ha đất trồng cây sầu riêng hứa hẹn mang lại triển vọng cho nông dân khi mã số vùng trồng được nhân rộng đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.


Khánh Hòa liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng cho huyện miền núi Khánh Sơn

Ngày 1/11, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện ngành đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng giữa UBND huyện Khánh Sơn với Công ty Vạn Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh). Qua đó tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn có chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Từ đó góp phần tạo nên kênh tiêu thụ ổn định cho sản phẩm sầu riêng của địa phương này.


Đắk Lắk: Để “hương sầu riêng” thực sự bay xa

Sự kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đầu tiên được tổ chức tại Đắk Lắk mới đây là niềm tự hào không chỉ của người trồng sầu riêng Đắk Lắk mà còn là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay.



Đề xuất