Đắk Lắk tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Đắk Lắk tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Ngày 22/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

 Theo dự thảo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2015-2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 8.782 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tổng số tang vật tịch thu 12.399 m3 gỗ các loại; phương tiện, công cụ tịch thu 4.421 cái. Tổng tiền thu sau xử lý 110,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2021, số vụ vi phạm giảm 1.328 vụ so với giai đoạn 2010-2014 (10.110 vụ vi phạm).

Hội nghị cũng chỉ ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, như công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa trở thành phong trào và sức lan tỏa rộng để góp phần làm chuyển biến rõ nét, căn bản ý thức, trách nhiệm của các ngành và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi, nhất là cấp xã chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc, dẫn đến vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa xử lý dứt điểm được khai thác gỗ trái phép. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp. Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Một số dự án vi phạm pháp luật về đất đai đã bị thu hồi đất rừng, nhiều dự án chậm tiến độ cũng được xem xét, xử lý đề nghị thu hồi. Một số lực lượng bảo vệ rừng còn buông lỏng quản lý, thậm chí thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật, phải xử lý kỷ luật, trong đó có một số trường hợp phải xử lý hình sự.

Hội nghị cũng nhận định, dự báo tình hình và xác định trong thời gian tới, vi phạm lâm luật vẫn còn diễn biến phức tạp, diện tích rừng tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị suy giảm.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020–2025 và chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ, phát triển rừng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền và thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành. Chủ động bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong điều kiện của tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp giữa các cơ quan trong khối tư pháp và địa phương để thanh kiểm tra, xử lý quyết liệt các vi phạm về Luật Lâm nghiệp với tinh thần không có vùng cấm, ngoại lệ; tạo điều kiện cho dự án thuê đất rừng triển khai và có cơ chế bồi thường thiệt hại, làm rõ trách nhiệm chủ rừng để mất rừng.

Hội nghị xác định, các cấp ủy Đảng trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh để bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng, huy động sự tham gia cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc; tiếp tục kiện toàn, củng cố nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; siết chặt kỷ cương, pháp luật trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Tiếp tục chỉ đạo xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong các Ban quản lý, Công ty lâm nghiệp, dự án nông lâm nghiệp; lập phương án tổng thể đối với diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý, giải quyết cho các hộ gia đình không có đất, thiếu đất sản xuất, dân di ngoài kế hoạch, xây dựng công trình công cộng; triển khai thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính để cấp đất cho người dân ổn định đời sống. Chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các chủ rừng; qua đó mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với thu hút thêm nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Hiện diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tính đến thời điểm tháng 3/2021 là 501.206 ha, gồm rừng tự nhiên 426.046 ha; rừng trồng 75.160 ha; diện tích đất chưa có rừng 232.423 ha. Độ che phủ rừng đạt 38,35% (giảm 0,4% so với năm 2020).

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp với các vụ phá rừng quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng như vụ phá hơn 382 ha rừng phát hiện vào tháng 4 tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp; vụ phá trắng hơn 74 ha phát hiện vào tháng 4 tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk; vụ phá hơn 23 ha rừng phát hiện vào tháng 3 tại xã Krông Nô, huyện Lắk.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm