Đắk Lắk siết chặt xử lý tình trạng trồng cây chứa chất ma túy

Đắk Lắk siết chặt xử lý tình trạng trồng cây chứa chất ma túy

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong thời gian qua các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh gia tăng.

Đắk Lắk siết chặt xử lý tình trạng trồng cây chứa chất ma túy ảnh 1Lực lượng chức năng huyện Ea H’Leo bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 1981, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột) trồng trái phép hơn 1.000 cây cần sa vào tháng 1/2021. Ảnh: TTXVN phát

Từ đầu năm 2020 đến nay lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 40 vụ (gồm 46 đối tượng) trồng cây cần sa trái phép, nhiều hơn 29 vụ so với cả giai đoạn năm 2017- 2019, thu giữ hơn 12.000 cây cần sa tươi. Tình trạng trồng cây cần sa trái phép xảy ra chủ yếu tại các huyện Cư M’Gar, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột. Các đối tượng thường trồng cây cần sa xen với các loại cây trồng khác trong vườn, rẫy của gia đình nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Khi bị phát hiện, phần lớn đối tượng khai nhận rằng họ trồng cần sa để phục vụ cho chăn nuôi. Tuy nhiên, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một số vụ việc trồng cây cần sa với số lượng lớn. có tính chất chuyên nghiệp, hình thành đường dây khép kín, có vườn ươm cây giống trong nhà kín được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, máy điều hòa, quạt gió…

Để tăng cường hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 21/5/2021. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy nói chung và ngăn chặn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy nói riêng.

Toàn tỉnh cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống trồng cây có chứa chất ma túy, nhất là tuyên truyền về cách nhận biết các loại cây có chứa chất ma túy và quy định của pháp luật về xử lý hành vi trồng cây có chứa chất ma túy; tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát hiện, tố giác các vụ vi phạm với cơ quan chức năng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân để góp phần ngăn ngừa tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ trồng cây có chứa chất ma túy tại khu vực biên giới. Công an tỉnh cần tăng cường nắm tình tình địa bàn, kịp thời phát hiện các vụ việc, đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy và xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.

Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ sở thường xuyên rà soát, thống kê, lập hồ sơ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy… Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần định kỳ báo cáo với UBND tỉnh Đắk Lắk (6 tháng/lần) về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm