Đắk Lắk sắp xếp lại hệ thống mạng lưới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học

Đắk Lắk sắp xếp lại hệ thống mạng lưới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học
Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) hướng dẫn học sinh viết chữ. Ảnh: baodaklak.vn
Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) hướng dẫn học sinh viết chữ. Ảnh: baodaklak.vn

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 có 115 trường tổ chức sáp nhập, trong đó có 13 trường Mầm non, 95 trường Tiểu học, 7 trường Trung học cơ sở; số điểm trường xóa bỏ là 223 điểm, trong đó Mầm non có 122 điểm, Tiểu học 61 điểm, Trung học cơ sở 1 điểm. Đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk có 852 trường, trong đó Mầm non có 250 trường, Tiểu học 322 trường, Trung học cơ sở 226 trường, Trung học phổ thông 54 trường; giảm 12 trường với năm 2025. Năm học 2019- 2020, tỉnh Đắk Lắk đã sáp nhập 4 trường Mầm non và 5 trường Tiểu học.

Ông Nguyễn Duy Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Duẩn, xã Ea Puk, huyện Krông Năng, cho biết việc sáp nhập tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu dạy học. Việc quản lý, triển khai công tác chuyên môn cũng được thống nhất, thuận lợi cho cả người dạy và người học mà không gây khó khăn cho học sinh trong học tập. Bên cạnh đó, việc sáp nhập hệ thống trường học sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ giáo viên/lớp, thuận lợi trong việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày và tổ chức ăn bán trú.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc sắp xếp lại mạng lưới giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học, do đó phải thực hiện thận trọng, hợp lý, không gây xáo trộn, khó khăn cho học sinh, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi nhiều học sinh ở rất xa trường học.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, để đảm bảo hiệu quả trong việc sắp xếp lại mạng lưới giáo dục, cần đảm bảo các nguyên tắc như: Giữ tính ổn định về mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục, đảm bảo nhu cầu học tập của người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, tiết kiệm ngân sách Nhà nước và nhân dân. Việc sáp nhập các điểm trường lẻ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó tập trung đầu tư nguồn lực về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục trong tình hình mới.

Đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn trong việc đi lại của học sinh khi đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa; chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường, quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý sau khi sáp nhập, các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã, không sáp nhập cơ sở giáo dục mầm non với các cơ sở giáo dục phổ thông…
Tuấn Anh

Có thể bạn quan tâm