Đắk Lắk phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân

Đắk Lắk phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) thu hoạch mía. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) thu hoạch mía. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Những năm trước, nông dân tại xã Cư Kly, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đều canh tác theo kiểu mạnh ai nấy làm, sản xuất nhỏ lẻ, thị trường không ổn định nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2013, nhiều hộ dân đã liên kết lại và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình. Ông Phan Công Hảo, thôn 2, xã Cư Kty cho biết, trước đây gia đình ông trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế thấp, đời sống bấp bênh. Năm 2013, ông Hảo tham gia Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, đồng thời chuyển đổi 3 ha đất trồng ngô sang trồng mía cùng các xã viên Hợp tác xã.

Theo ông Hảo, khi tham gia Hợp tác xã, các thành viên được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác… đồng thời tuân thủ quy trình sản xuất để nông sản đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

“Trước kia, khi trồng mía người nông dân phải tự lo từ khâu gieo giống, chăm sóc đến tìm nhân công thu hoạch và đầu ra cho sản phẩm. Từ khi tham gia Hợp tác xã, mọi vấn đề trên đều được giải quyết nhanh chóng, nông dân yên tâm sản xuất. Hiện gia đình ông có 3 ha mía tham gia Hợp tác xã, sau khi trừ chi phí mỗi vụ thu lãi hơn 100 triệu đồng” ông Hảo cho biết.

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình cho biết, hiện hợp tác xã có 25 thành viên và liên kết với 350 hộ dân, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương. Ngoài việc hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật… Hợp tác xã còn đứng ra ký kết hợp đồng với các đơn vị thu mua, giúp nông sản có đầu ra ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với kiểu canh tác nhỏ lẻ trước đây. Nhiều nông dân trước đây là hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khăn, từ khi tham gia Hợp tác xã đã vươn lên làm giàu, ổn định đời sống.

Cư Elang là xã khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk), đất đai cằn cỗi, kém dinh dưỡng. Từ khi thành lập Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ vận tải Thành Công, người dân đã liên kết lại trồng cam, quýt, bưởi… theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Ông Trương Phú Định, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ vận tải Thành Công cho biết, hiện Hợp tác xã có 19 thành viên với 90 ha diện tích trồng cam, quýt, bưởi, trong đó có 50 ha đang trong thời kỳ thu hoạch.

Năm 2017, Hợp tác xã được địa phương lựa chọn hỗ trợ sản xuất 7,8 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và hiện được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chọn làm mô hình thí điểm để đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Thời gian tới, Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ vận tải Thành Công tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các diện tích còn lại của xã viên; xây dựng thương hiệu sản phẩm cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển theo hướng sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Ông Hoàng Khang, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm qua, các Hợp tác xã đã phát huy tốt vai trò trong phát triển kinh tế, đứng ra tập hợp nông dân, tìm kiếm đầu vào, giải quyết đầu ra cho nông sản. Tại Đắk Lắk, các hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập của người lao động, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo ông Khang, để phát huy hơn nữa vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế, bản thân các hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản lý, kết nạp rộng rãi thành viên, nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ tích cực hơn cho xã viên. Bên cạnh đó, các hợp tác xã cần tham gia vào các chuỗi giá trị, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 399 hợp tác xã, trong năm 2018 phấn đấu thành lập mới 40 hợp tác xã.
Tuấn Anh 

Có thể bạn quan tâm