Đắk Lắk phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

Đắk Lắk phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

Thu hoạch sầu riêng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Thu hoạch sầu riêng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh: Dương Giang - TTXVN
       
Các hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk trồng các loại cây ăn quả dưới hai hình thức, trồng xen trong các vườn cà phê hoặc trồng thuần. Riêng đối với cây sầu riêng ở Đắk Lắk phần lớn diện tích được các hộ gia đình trồng xen trong các vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê hoặc trồng thuần sầu riêng.

Cụ thể, 517 hộ đồng bào các dân tộc ở buôn Yung, xã Ea Yông (huyện Krông Pắk) nhận khoán 419 ha cà phê của Công ty cà phê Phước An và mỗi ha cà phê có trồng xen 121 cây sầu riêng. Được sự hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại…hàng năm, các hộ nhận khoán đều có thu nhập khá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng từ cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê.

Gia đình ông Y Blet Niê, ở buôn Yung, xã Ea Yông (huyện Krông Pắk) nhận khoán 1,35 ha cà phê; trong đó có 120 cây sầu riêng trồng xen, gần 10 năm nay, ngoài thu nhập cà phê, mỗi năm ông đều có thu nhập thêm từ cây sầu riêng từ 500 đến 800 triệu đồng. Riêng năm 2017, sầu riêng được giá, ông Y Blet Niê đã có thu nhập gần 1,2 đồng…
         
Ngoài cây sầu riêng, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk còn trồng xen cây bơ, cam, quýt trong vườn cà phê cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
         
Gia đình anh Triệu Hùng, ở thôn Tiên Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) cũng đã mạnh dạn phá bỏ 2 ha cà phê hiệu quả kinh tế kém chuyển sang trồng quýt. Nhờ chăm sóc tốt nên năng suất luôn đạt từ 25 đến 30 tấn quả/ha, với giá bán như hiện nay, mỗi niên vụ anh Hùng thu về trên 500 triệu đồng.
         
Còn anh Trần Văn Luân, ở thôn 3 xã vùng sâu Cư E Lang (huyện Ea Kar) cũng chuyển 4 ha đất trồng ngô, sắn (mỳ) sang trồng cam, quýt, bưởi da xanh mỗi năm thu về gần 4 tỷ đồng…
         
Hiện nay, nhiều gia đình trồng cây ăn quả ở tỉnh Đắk Lắk thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP càng giúp cho người tiêu dùng thêm tin tưởng tiêu thụ mạnh trái cây của tỉnh.
       
Đắk Lắk hiện có 11.798 ha cây ăn quả các loại, trong đó, sầu riêng, bơ là hai loại cây ăn quả chủ lực, chiếm diện tích nhiều nhất, sầu riêng có gần 3.000 ha, , sản lượng đạt gần 44.000 tấn, bơ có 2.857 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 35.000 tấn quả trở lên…         
Quang Huy 

Có thể bạn quan tâm