Đắk Lắk nỗ lực vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau

Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 33,5% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo và đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn nhằm giảm nghèo bền vững, không để hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau.

Đắk Lắk nỗ lực vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau ảnh 1Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

 Điểm sáng giảm nghèo

Xã Cư M’Gar (huyện Cư M’Gar) là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk. Xã có hơn 1.220 hộ dân, trong đó gần 70% người dân là dân tộc thiểu số. Hàng năm, xã ban hành kế hoạch giảm nghèo, chủ động huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ năm 2015 đến nay, xã đã trao tặng 100 con bò cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ xây mới 61 nhà ở theo Chương trình 167 và các nguồn từ thiện nhân đạo. Gần 1.000 hộ dân của xã được tiếp cận với các nguồn vốn vay (hơn 16 tỷ đồng) để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế... Với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền xã và sự vươn lên của người dân, trong 5 năm, xã đã giảm 122 hộ nghèo. Hiện nay, toàn xã còn 105 hộ nghèo. Xã đã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Gia đình ông Ma Văn Toàn, dân tộc Tày ở thôn 6 (xã Cư M’Gar, huyện Cư M’Gar) trước đây là hộ nghèo. Được xã hỗ trợ nhà ở và tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông đã đầu tư vào chăn nuôi bò, có lãi ông tiếp tục đầu tư nuôi chim bồ câu và trồng cà phê, trồng lúa. Ông Toàn chia sẻ, nhờ xã quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn khoa học kỹ thuật để vận dụng, nỗ lực vươn lên. Năm 2019, gia đình ông thoát nghèo; hiện có nguồn thu ổn định, mua sắm phương tiện sinh hoạt và máy móc, có điều kiện cho các con học hành đến nơi đến chốn.

Huyện Buôn Đôn cũng là điểm sáng của tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ qua về giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là huyện biên giới, khó khăn với 26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hơn 51% dân số huyện là dân tộc thiểu số. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 41,78%; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 65%. Với xuất phát điểm thấp, huyện đã nỗ lực thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo.

Trong 5 năm (2015 – 2020), từ nguồn vốn Chương trình 135 với tổng kinh phí hơn 68 tỷ đồng, huyện đã sửa chữa và làm mới 130 công trình giao thông nông thôn, xây dựng 13 nhà sinh hoạt động đồng và hỗ trợ cây, con giống, máy móc thiết bị cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Hơn 1.000 lượt hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số của huyện được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, các chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách dân tộc cũng được huyện tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 26,78%; thu nhập bình quân theo giá hiện hành đạt 33 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt.

Già Y Blơm Brông, buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn chia sẻ, là hộ nghèo, nhà già Y Blơm được hỗ trợ bò giống và tiền phối giống, được tặng quà mỗi dịp Tết đến Xuân về và vay vốn để phát triển kinh tế. Già rất vui và biết ơn Đảng, Nhà nước. Đồng thời, già Y Blơm bày tỏ sự phấn khởi với chương trình kết nghĩa giữa các sở, ngành, đơn vị với thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chương trình hiệu quả góp phần xóa nhà tạm, hộ đói, giảm dần hộ nghèo.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn Ya Toan Ênuôl cho biết để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và giảm nghèo bền vững, cần nhận thức đúng về công tác dân tộc và tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở và có giải pháp giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất; đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ dân cư quản lý. Chủ động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất và có cơ chế đầu ra cho sản phẩm.

Nỗ lực của các địa phương đã góp phần mang lại những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ qua. Diện mạo nông thôn khởi sắc, những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng ngày càng nhiều. Đời sống người dân nâng lên, tích cực góp công, góp sức cùng nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Còn nhiều thách thức

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã được triển khai đúng đối tượng. Với tổng ngân sách Trung ương hơn 769 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 35 tỷ đồng, tỉnh đã phân bổ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ vốn vay...

Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã xây mới 141 công trình, duy tu bảo dưỡng 14 công trình cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo; thực hiện 86 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 1.654 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Với chương trình 135, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp 1.096 công trình, duy tu bảo dưỡng 113 công trình cơ sở hạ tầng; thực hiện 553 dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 11.000 hộ ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, xuống còn 4,99% năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 5%/năm. Chính sách dân tộc và công tác dân tộc được triển khai kịp thời, chú trọng giải quyết tình trạng hộ dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất, góp phần ổn định vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp người dân tiếp cận thị trường; kỹ thuật canh tác của người nghèo được thay đổi, nhiều hộ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất sản phẩm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho thanh niên dân tộc thiểu số, ổn định cuộc sống, hạn chế tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng, công tác giảm nghèo của tỉnh đang gặp nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su, hồ tiêu... những năm gần đây giảm mạnh, giá cả các mặt hàng trái cây không ổn định dẫn đến nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Mặt khác, một số địa phương chưa xác định được cây trồng, vật nuôi và sản phẩm thế mạnh của địa phương, nên việc lựa chọn các dự án triển khai chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và của hộ nghèo.

Trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu rõ, trong nhiệm kỳ mới, mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm bình quân 1,5 - 2%/năm; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm giảm 3-4%. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đến năm 2025 còn 2,3% - 2,4%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 59,69 triệu đồng/người/năm.

Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Trần Phú Hùng, cần tăng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư đồng bộ, có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Bên cạnh đó, hạn chế chính sách cho không mà tăng cường “trao cần câu”, tích hợp chính sách theo hướng thống nhất, lược bỏ chính sách chồng chéo, không phù hợp. Dạy nghề phải phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động, gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập, dạy có địa chỉ.

Với kết quả tích cực trong nhiệm kỳ qua về công tác giảm nghèo, tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nâng cao đời sống người dân trong nhiệm kỳ mới. Dân mạnh, dân phấn khởi, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tạo ra sức mạnh tổng hợp để cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”. Điều đó cho thấy, công tác giảm nghèo cũng là một trong những nhiệm vụ then chốt, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực vượt qua thách thức, xây dựng chiến lược giảm nghèo hiệu quả.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm