Đắk Lắk: Nhân viên bảo vệ rừng bị hành hung phải nhập viện

Ngày 5/6, thông tin từ Lâm trường Buôn Ja Wầm (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm), xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, một nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị vừa bị hành hung phải nhập viện.

Dak Lak: Nhan vien bao ve rung bi hanh hung phai nhap vien hinh anh 1Anh T.H.M., nhân viên bảo vệ rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 2/6, một người đàn ông tên Toàn cùng 3 người khác đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 547a (còn gọi là Trạm Minh Hằng), chửi bới, đe dọa anh T.H.M. - nhân viên bảo vệ rừng của lâm trường. Sau đó 4 đối tượng bỏ đi. Đến gần 17 giờ cùng ngày, Toàn kéo theo nhóm khoảng 6, 7 người đến Trạm Quản lý Bảo vệ rừng số 3 gây rối, chửi bới, dọa nạt, đánh đập, ép Trạm trưởng T. lên xe máy và chở vào Trạm Minh Hằng. Khi gần đến Trạm Minh Hằng, nhóm đối tượng quay xe trở lại Trạm Quản lý Bảo vệ rừng số 3.

Lúc này, tại Trạm Quản lý Bảo vệ rừng số 3, một nhóm đông người đang vây đánh vợ chồng anh T.H.M. – nhân viên bảo vệ rừng của lâm trường, đập phá các vật dụng của Trạm. Người đàn ông tên Toàn và những người đi cùng thấy vậy cũng xông vào đánh vợ chồng anh M. Các đối tượng dùng tay, chân, đá, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu anh M. Rất may, anh M. đội mũ bảo hiểm nên hạn chế được thương tích trên đầu. Các đối tượng (khoảng 30 người) vừa đánh người vừa khống chế không cho gọi điện để báo cáo sự việc với lãnh đạo lâm trường, sau đó bắt anh M. quỳ xin thì nhóm đối tượng mới ra về. Anh M. bị chấn thương nặng, ngay sau đó đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo xác định ban đầu, các đối tượng đã đập phá 2 xe máy, cửa kính và một số vật dụng tại Trạm Quản lý Bảo vệ rừng số 3. Công an xã Ea Kiết đã vào kiểm tra hiện trường, thu thập chứng cứ, ghi nhận thiệt hại để xác minh, xử lý theo quy định.

Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm Nguyễn Tất Văn cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Lâm trường bị gây rối. Thời gian qua, trên lâm phần do Lâm trường quản lý, tình trạng người dân xâm chiếm đất rừng, đốt dọn, trồng cây hoa màu và cây công nghiệp trên đất lâm nghiệp hết sức phức tạp. Mặc dù đơn vị đã tuyên truyền, giải thích, tuần tra, nhắc nhở để ngăn chặn nhưng một số người dân vẫn cố tình xâm chiếm, trồng trỉa trái phép. Các đối tượng phá rừng, chiếm đất ngày càng liều lĩnh, đe dọa, thách thức, tổ chức đông người chống đối lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Lâm trường Buôn Ja Wầm đã báo cáo vụ việc để UBND huyện Cư M’Gar chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, điều tra, xác minh xử lý theo quy định; báo cáo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tháng 5/2023, toàn tỉnh xảy ra 141 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 29 vụ so với tháng 4/2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 485 vụ vi phạm luật, tịch thu 137,916 m3 gỗ các loại và 44 phương tiện vi phạm. Nguyên nhân số vụ vi phạm luật tăng là do số vụ phá rừng tăng cao (45 vụ) ở hai huyện Krông Bông và Cư M’Gar.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng quản lý bảo vệ rừng nghỉ việc nhiều do áp lực lớn, lương và phụ cấp thấp. Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Wing chỉ còn 1 hợp đồng quản lý bảo vệ rừng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Mầm đã có 4 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc trong những tháng đầu năm 2023. Một số công ty lâm nghiệp nợ lương người lao động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nghiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính đang xây dựng văn bản để trình Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh sắp tới, thông qua mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân từ 300.000 đồng/ha/năm lên 500.000 đồng/ha/năm. Đồng thời, Sở đã kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức họp rà soát, đánh giá, có phương án hỗ trợ các công ty lâm nghiệp tháo gỡ khó khăn để lực lượng quản lý bảo vệ rừng yên tâm công tác, giữ gìn diện tích rừng hiện có” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết.

Hoài Thu

Tin liên quan

Phạt tù hai đối tượng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ở Phú Thọ

Ngày 25/5, tại UBND xã Đồng Sơn, Tòa án nhân dân huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự. Phiên tòa được truyền thanh trực tiếp trên địa bàn xã Đồng Sơn và trực tuyến đến UBND 16 xã trên địa bàn huyện.


Phát huy vai trò tiên phong trong bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 501.206 ha đất rừng, trong đó rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha, độ che phủ rừng ước tính đạt 38,35%. Đặc thù địa bàn rộng, địa hình hiểm trở và luôn "nóng" về tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng rừng nên áp lực luôn đè nặng "trên vai" lực lượng kiểm lâm. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay nhiều khó khăn vẫn "bủa vây" và tạo ra những thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Đắk Lắk.


Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn

Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 115.500 ha, nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, là rừng khộp duy nhất tại Việt Nam với hệ thống sinh thái động vật, thực vật phong phú, đa dạng, có trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó có nhiều loại động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Để bảo vệ đa dang sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn, nhất là động vật hoang dã, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, rà phá bẫy do các đối tượng đặt nhằm săn, bắt động vật hoang dã.



Đề xuất