Đắk Lắk: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng

Đắk Lắk: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng

Ngày 16/12, UBND tỉnh Đắk Lắk sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 05/2019/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng.

Đắk Lắk: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng ảnh 1Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk công bố và chúc mừng các huyện có di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 1.723/1.917 thôn, buôn có Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường. Các địa phương còn lại cũng đã có quy hoạch quỹ đất để xây dựng. Việc xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân 49 dân tộc trong tỉnh có nơi hội họp, giao lưu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh. Đây cũng là nơi sinh hoạt, hội họp của các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể tại thôn, buôn.

Giai đoạn 2019-2022, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ trang thiết bị cho 835 Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn với kinh phí hơn 29 tỷ đồng; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa cơ sở và cách thức sử dụng, bảo quản trang thiết bị trong Nhà văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay 56,13% Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn hoạt động ở mức trung bình và có 31 Nhà văn hóa cộng đồng không hoạt động. Nguyên nhân là đa số Nhà văn hóa cộng đồng đã xuống cấp và không được tu sửa thường xuyên lại không có đầy đủ công trình phụ trợ (nhà để xe, khu vệ sinh, cổng). Một số Nhà văn hóa cộng đồng không hoạt động do xây dựng ở địa điểm không phù hợp dẫn đến bỏ hoang.

Đắk Lắk: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng ảnh 2Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân ưu tú. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, buôn, thời gian tới, UBND cấp huyện, xã cần tích cực triển khai thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng; bố trí ngân sách để thực hiện các nội dung quy định trong Quy chế; tổ chức kiểm tra định kỳ tình hình sử dụng, khai thác Nhà văn hóa cộng đồng. Ban Chủ nhiệm, cán bộ quản lý Nhà văn hóa cộng đồng lập kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm, ngắn hạn, dài hạn để triển khai thực hiện; năng động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động tại Nhà văn hóa cộng đồng để thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo số lượng địa phương chưa được đầu tư xây dựng và dự toán kinh phí hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp Nhà văn hóa cộng đồng, hội trường bị hư hỏng hoặc xuống cấp.

Cũng trong ngày 16/12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và trao tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Theo đó, năm 2022, tỉnh có thêm 2 di sản được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’Nông huyện Lắk” và “Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Ê Đê huyện Cư M’Gar. Tỉnh có 17 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, 3 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh bày tỏ mong muốn, các nghệ nhân tiếp tục phát huy, đóng góp trí tuệ, tài năng vào sự nghiệp xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh. Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế địa phương.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm