Đắk Lắk: Mưa lớn gây thiệt hại và cô lập nhiều xã ở huyện vùng sâu Krông Bông

Đắk Lắk: Mưa lớn gây thiệt hại và cô lập nhiều xã ở huyện vùng sâu Krông Bông
Mưa lũ cuốn trôi một đoạn đường thôn Buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Mưa lũ cuốn trôi một đoạn đường thôn Buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông. Ảnh: Dương Giang  - TTXVN

Đến 14h chiều ngày 4/11, huyện Krông Bông có 1.145 nhà dân bị nước lũ cô lập, 122 nhà bị ngập nước sâu từ 1m đến 2m, trong đó có 1 nhà bị sập tường do sạt lở. Mưa lớn cũng gây ngập úng gần 2.000ha ngô lai, lúa nước, mì đang trong kỳ cho thu hoạch; hơn 4 km đường giao thông nông thôn các xã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.

 

Nghiêm trọng nhất là tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Hòa Phong-Cư Pui, đoạn qua địa bàn buôn Ngô A, xã Hòa Phong bị sạt lở chia cắt, khiến cho 364 hộ dân buôn Ngô A và thôn 2 xã Hòa Phong đang bị cô lập hoàn toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong, Y Liệu Niê cho biết: “Do mưa lớn, nước lũ dâng cao nên điểm sạt lở tại tuyến đường cứu hộ cứu nạn Hòa Phong-Cư Pui vẫn chưa được khắc phục, việc lưu thông của người dân thôn 2 và buôn Ngô A vô cùng khó khăn. Trước mắt, xã đã cử cán bộ đóng biển báo, căng dây cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm người dân lưu thông qua khu vực bị sạt lở, báo cáo huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk sớm khắc phục điểm sạt lở để người dân lưu thông an toàn”.

 

Tại xã Cư Pui mưa lớn đã làm đổ 3 cột điện tại thôn Ea Lang, gây mất điện gần 700 hộ dân thuộc 3 thôn Ea Lang, Cư Tê và Cư Rang.

 

Mưa lớn cũng khiến đập Ea Trul, thôn 2, xã Ea Trul bị sạt lở, lật bê tông mái hạ lưu dài 35m. Hiện Ủy ban nhân dân xã Ea Trul đã kiểm tra, cảnh báo mức độ an toàn đến người dân sống ở khu vực gần đập Ea Trul.

 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông, đến 18h ngày 4/11, mưa lớn vẫn diễn ra trên diện rộng trên tất cả các xã của huyện.

 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông đã huy động lực lượng dân quân, công an phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã sử dụng phương tiện ca nô, áo phao cứu hộ, di dời người dân, phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; phân công cán bộ chốt, trực tại các điểm xung yếu; khuyến cáo người dân không lưu thông ở vùng nước lũ chảy xiết, chăn thả gia súc vùng nước lũ, thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động di chuyển, di dời tài sản của gia đình đến nơi an toàn./.

Có thể bạn quan tâm