Đắk Lắk mở rộng áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Đắk Lắk mở rộng áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Kiểm tra chất lượng hạt cà phê. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Kiểm tra chất lượng hạt cà phê. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích cà phê và đây cũng là cây nông sản có mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, với trên 203.000 ha. Nông dân đã sử dụng 100% các phương tiện cơ giới khai hoang làm đất, đào hố để trồng mới cây cà phê. Trong các khâu tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, chế biến cà phê nguyên liệu bà con nông dân đã sử dụng các phương tiện cơ giới từ 80 đến 100%. Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày khác như: cây hồ tiêu, cao su, điều nông dân các dân tộc cũng đã sử dụng 100% các phương tiện cơ giới để làm đất, đào hố trồng mới… Đối với các loại cây trồng khác như lúa nước, ngô lai, mía, đậu đỗ các loại, nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã sử dụng phần lớn các loại phương tiện cơ giới để làm đất, tưới nước góp phần phục vụ tốt thâm canh cây trồng. Huyện Cư M’gar vùng trọng điểm cây cà phê của tỉnh Đắk Lắk, nông dân đã đầu tư mua sắm hàng chục ngàn phương tiện cơ giới các loại từ máy cày, máy kéo, máy bơm nước, máy cắt cỏ, phun thuốc trừ sâu…phục vụ tốt yêu cầu thâm canh, thu hoạch, chế biến cà phê.
Máy trồng củ đa năng do anh Trần Văn Hảo (Đắk Lắk) chế tạo giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh – TTXVN
Máy trồng củ đa năng do anh Trần Văn Hảo (Đắk Lắk) chế tạo giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh – TTXVN
Gia đình anh Y Sùng Niê ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar)  có trên 4 ha cà phê kinh doanh, gia đình đã đầu tư mua sắm máy cày, máy bơm nước, máy làm cỏ, giàng tưới phun mưa, máy phun thuốc trừ sâu bệnh hại, chế biến cà phê…nên toàn bộ các khâu làm đất, tưới, vận chuyển vật tư phân bón, sản phẩm cà phê đều sử dụng cơ giới thay cho sức lao động. Tại huyện Ea Súp là vùng trọng điểm cây lúa nước của địa phương, hiện nay, bà con nông dân cũng đã mua sắm trên 3.200 phương tiện cơ giới các loại, chủ yếu là máy cày, bừa, thu hoạch lúa, xay xát, tách hạt…lúa gạo, ngô lai. Tỉnh Đắk Lắk có trên 127.000 máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với 16 chủng loại khác nhau, với tổng công suất lên đến trên 800.000 mã lực phục vụ tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, đây cũng là địa phương có tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp cao nhất khu vực Tây Nguyên.
Quang Huy

Có thể bạn quan tâm