Đắk Lắk: Làm giàu trên quê hương

Đắk Lắk: Làm giàu trên quê hương
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng Phương ở thôn 12, xã Hòa Phú (Thành phố Buôn Ma Thuột) được nhiều người biết đến là một trong những điển hình về sản xuất giỏi với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy nhiều mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, bà Phương đã nghiên cứu, tìm tòi và tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức. Nhận thấy vùng đất mình ở phù hợp trồng các loại cây lâu năm, năm 1999, bà Phương bắt tay vào xây dựng trang trại và xác định lấy cây công nghiệp lâu năm làm hướng chủ lực. Phát huy lợi thế đất đồi của địa phương, ngoài cao su, tiêu, điều, cà phê, bà Phương còn xuống tận Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm và đưa giống nhãn về trồng. Đến nay trang trại của gia đình bà có diện tích gần 16 ha, trong đó có 4 ha nhãn, gần 5 ha điều, 6 ha cao su và gần 1 ha cà phê. Năm 2014, bà Phương thu hoạch được 48 tấn nhãn bán với giá 17 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi năm, gia đình bà thu nhập hơn 500 triệu đồng đã trừ chi phí. Chia sẻ về hiệu quả mô hình bà Phương cho biết: “Để cây trồng phát triển tốt, yếu tố quan trọng nhất là tìm được nguồn nước tưới hợp lý và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Riêng đối với cây nhãn thì phải bỏ công sức nhiều hơn bởi muốn khai thác hết tiềm năng kinh tế của cây cần phải có những biện pháp chăm sóc thích hợp để nhãn cho năng suất cao và chất lượng tốt. Sau khi thu hoạch quả là thời gian cây bị tổn thương lớn nhất. Giai đoạn này cây rất yếu vì vậy muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khỏe cho cây. Khi cây đã có quả non, tiến hành cắt bớt chùm quả hoặc cành để giảm gánh nặng cho cây. Từ những cành bị cắt đó sẽ ra chồi non, làm cơ sở cho sang năm ra hoa, đậu quả”.
 
Đắk Lắk: Làm giàu trên quê hương ảnh 1
Hội viên nông dân thành phố Buôn Ma Thuột tham quan mô hình trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng Phương.

Tại xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc), nói đến mô hình nuôi chim cút là mọi người nhắc ngay đến nông dân Hồ Sỹ Quang. Tận dụng diện tích sẵn có tại gia đình để xây dựng chuồng trại nuôi chim cút, đến nay, cứ 3 ngày ông Quang xuất chuồng khoảng 2.000 chim cút con. Với giá bán 1.500 đồng/con, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí và khấu hao chuồng trại, gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên hơn 5.000 con chim cút bị bệnh dịch phải tiêu hủy hết. Không nản lòng, ông Quang tiếp tục học hỏi qua sách, báo, đồng thời tham quan nhiều mô hình, trang trại nuôi chim ở trong và ngoài tỉnh. Sau gần 10 năm, đàn chim cút của gia đình ông luôn duy trì số lượng trên 2.000 con cút bố mẹ, tạo được nguồn thu nhập ổn định. Ông Quang tâm sự: “Chim cút thường thích sống ở nơi cao ráo và thoáng mát nên chuồng nuôi phải được thiết kế lồng nuôi quây lưới, chia làm nhiều tầng. Cách làm này vừa tạo độ cao ráo, vừa tiết kiệm được diện tích. Khu chuồng trại nuôi chim phải xây dựng tách biệt với nhà ở và thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ để bảo đảm vệ sinh chăn nuôi. Riêng nguồn thức ăn phải bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt không để ẩm, mốc”.
 
Đắk Lắk: Làm giàu trên quê hương ảnh 2
Mô hình nuôi chim cút của gia đình ông Hồ Sỹ Quang.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Phương và ông Hồ Sỹ Quang chỉ là 2 trong số hàng nghìn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Để hỗ trợ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua Hội Nông dân tỉnh tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Cụ thể, Hội đã phối hợp với các Trung tâm Khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt và hội thảo khoa học, kỹ thuật cho hội viên, nông dân; vận động các tổ chức, đơn vị kinh tế và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ tiền, cây giống, phân bón giúp hội viên nghèo phát triển sản xuất; tín chấp với doanh nghiệp, công ty mua phân bón trả chậm giúp nông dân đầu tư sản xuất;  tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi để học tập, nhân rộng tại địa phương. Nhờ vậy, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn áp dụng, sử dụng các giống mới, đầu tư mở rộng và cơ giới hóa sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Riêng trong năm 2014, toàn tỉnh có 86.201 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Có thể thấy, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ giúp nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, biết sử dụng đồng vốn hiệu quả và vận dụng sáng tạo những tiến bộ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình mà còn làm thay đổi diện mạo đời sống ở nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Báo Đắk Lắk điện tử

Có thể bạn quan tâm