Đắk Lắk khuyến cáo nông dân phục hồi lại vườn cà phê sau thu hoạch

Đắk Lắk khuyến cáo nông dân phục hồi lại vườn cà phê sau thu hoạch
Dùng kéo sắt cắt cành khô, cành vô hiệu sát gốc, nhánh chính khoảng 3-4cm. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Dùng kéo sắt cắt cành khô, cành vô hiệu sát gốc, nhánh chính khoảng 3-4cm. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Theo Tiến sỹ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu gây khô hạn, thiếu nước tưới cho cà phê, hiện tượng phân bố mưa không đều, mưa trái vụ, mưa sớm đầu mùa khô làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, ra hoa, đậu quả của cây cà phê. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong, cây cà phê thường mất sức do đã trãi qua một quá trình dài nuôi dưỡng trái và cành. Vì vậy, việc chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch là yếu tố quyết định đến năng suất cà phê. Do vậy, để cây cà phê sinh trưởng tốt, cho năng suất cao ở niên vụ sau, sau khi thu hoạch xong người trồng cà phê cần cắt, tỉa những cành bị khô, không có lá, già cỗi, sâu bệnh để cây có thể phục hồi và kích thích các mầm ngủ phát triển thành cành thứ cấp; nên cắt tỉa cành từ trên xuống và từ trong ra ngoài, tạo tán cân đối thông thoáng, đủ ánh sáng  cho cây cà phê sinh trưởng. Việc cắt cành phải được thực hiện cách gốc, thân cành chính từ 2cm đến 4cm, hạn chế để lại vết xước, cắt, tỉa cành thời điểm sau khi thu hoạch khoảng một tuần là hợp lý nhất. Nếu cắt cành muộn khi cây đã ra hoa, đậu quả non sẽ làm tổn thương hoa, dập quả non, ảnh hưởng đến năng suất.
Cắt tỉa cành cà phê từ trên cao xuống tạo hình cân đối, thông thoáng cho cây cà phê. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Cắt tỉa cành cà phê từ trên cao xuống tạo hình cân đối, thông thoáng cho cây cà phê. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Ngoài việc cắt, tỉa cành, người dân cần quan tâm bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý cho cây như: đạm, lân, kali và các nguyên tố trung vi lượng canxi, magie, lưu huỳnh để cây phát triển khỏe mạnh, thúc đẩy phân hóa mầm hoa, đậu quả nhiều hơn, cây có sức kháng bệnh tốt hơn. Niên vụ cà phê 2017-2018 vừa qua, thời tiết diễn biến bất thường, mưa muộn cuối mùa kéo dài khiến độ ẩm trong đất cao, các bệnh nấm thối rễ, tuyến trùng, gây bệnh trên cây cà phê. Một số vườn cà phê xảy ra thán thư bông, nấm hồng, rệp sáp…người dân cần phát hiện sớm sử dụng các loại thuốc chuyên dụng như Fastac 5EC. Motox 2.5EC, Binhmor 40EC… phun phòng trừ sâu bệnh hại. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 204.808 ha cà phê, trong đó 187.279 ha đang cho kinh doanh, năng suất bình quân đật 24,4 tạ/ha. Sau khi thu hoạch xong cà phê, nông dân cần chủ động thăm vườn, áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng thời điểm, khoa học, bón phân hữu cơ đã được ủ hoai với men vi sinh để kích thích rễ cây phát triển, giúp cây phát triển ổn định, cho năng suất cao, cải thiện chất lượng đất.
Sau khi thu hoạch, người dân xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, cắt bỏ những cành cà phê không cho quả, cành bị khô để cây phát triển tốt hơn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Sau khi thu hoạch, người dân xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, cắt bỏ những cành cà phê không cho quả, cành bị khô để cây phát triển tốt hơn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Đồng thời, áp dụng các biện pháp “siết nước” (hạn chế tưới nước trong thời điểm cây mới thu hoạch xong đang phân hóa mầm hoa);  trồng xen một số cây như sầu riêng, bơ, mít cây muồng trong vường cà phê để tạo bóng che mát, giảm bốc hơi nước, điều hòa sinh thái nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Phạm Cường

Có thể bạn quan tâm