Đắk Lắk không để lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Đắk Lắk không để lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn gà ở trang trại nuôi gà siêu trứng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: tintaynguyen.com
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn gà ở trang trại nuôi gà siêu trứng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: tintaynguyen.com
Từ cuối tháng 12/2018 đến nay, tại Đắk Lắk xảy ra hai ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (1 ổ lở mồm long móng, 1 cúm A/H5N1). Cụ thể, ổ dịch lở mồm long móng được phát hiện từ ngày 22/12/2018, trên đàn bò 24 con bò của 10 hộ dân tại buôn Gram A1, xã Cư Bao. Đến ngày 27/12/2018, số bò bị bệnh tăng lên 64 con của 19 hộ dân của hai buôn Gam A1 và Gam A2 và đang có chiều hướng lan rộng. Để ngăn chặn dịch bệnh, ngày 28/12/2018, Ủy ban nhân dân thị xã Buôn Hồ cũng đã công bố dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc và tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc cũng như sản phẩm của gia súc ra ngoài vùng dịch. Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk đã cấp cho Ủy ban nhân dân xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ 30 lít hóa chất sát trùng và 800 liều vắc xin; phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân các biện pháp bao vây, ngăn chặn dịch bệnh. Trước đó, ngày 20/12/2018, ổ dịch cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn gà nuôi 215 con của một hộ dân thuộc xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk. Ngay sau phát hiện khi dịch cúm A/H5N1, Trạm thú y huyện Krông Pắk đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Tân Tiến tiêu hủy đàn gà mắc bệnh, triển khai các biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời điểm này đang là mùa khô, không phải chu kỳ phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng hàng năm trên đàn gia súc. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết mưa, nắng bất thường, hoạt động vận chuyển mua bán gia súc từ các địa phương khác và vùng có dịch về Đắk Lắk sẽ gây nguy cơ gia tăng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thời gian đến. Để phòng ngừa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, có phát sinh dịch bệnh khẩn trương triển khai biện pháp dập dịch, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại của gia súc, gia cầm không để phát sinh ổ dịch mới; quản lý và xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào vùng có dịch; hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Khi phát hiện có gia súc, gia cầm nhiễm bệnh phải áp dụng biện pháp chống dịch khẩn cấp, nhằm khống chế không để phát sinh lây lan dịch bệnh.
Phạm Cường

Có thể bạn quan tâm