Đắk Lắk: Hơn 120 năm tù cho các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà hàng tiệc cưới

Ngày 1/4, sau hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án hơn 120 năm tù đối với 40 bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo bị tuyên mức án cao nhất là 15 năm tù, người nhận mức án thấp nhất là 9 tháng 17 ngày.

Dak Lak: Hon 120 nam tu cho cac bi cao lua dao chiem doat tai san cua cac nha hang tiec cuoi hinh anh 1

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: TTXVN phát

Theo cáo trạng, từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019, H BLuên Kriêng (sinh năm 1985, trú tại buôn Aring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã bàn bạc với 40 người khác cùng thực hiện 101 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng và một chỉ vàng trị giá 3 triệu đồng của 13 nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, H’Bluên Kriêng bàn bạc, thống nhất với các bị can và phân công công việc như: gọi điện cho nhà hàng tiệc cưới, đóng giả người có nhu cầu đặt tiệc (đám cưới, sinh nhật, mừng thọ...), đóng giả cô dâu, chú rể, đóng giả chủ nhà nhằm mục đích tạo ra thông tin gian dối để các nhà hàng tiệc cưới tin tưởng và ký hợp đồng đặt tiệc. Sau đó, các bị can này ứng, mượn tiền của nhà hàng tiệc cưới để chuẩn bị đám tiệc rồi chiếm đoạt, chia nhau tiêu xài cá nhân.

Liên quan đến vụ án, bị can H Mri Byă sau khi bị khởi tố đã bỏ trốn, cơ quan chức năng đã ra quyết định truy nã nhưng đến nay chưa bắt được. Cơ quan chức năng quyết định tách vụ án đối với bị can H Mri Byă khi bắt được sẽ xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, có 10 người khác liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án (đã bỏ đi khỏi địa phương), nhưng đến nay cơ quan cảnh sát điều tra vẫn chưa làm việc được nên chưa đủ căn cứ để xử lý, cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của 10 người này để tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử, vụ án có nhiều bị cáo tham gia lừa đảo chiếm đoạt của một số nhà hàng tiệc cưới với số tiền lớn, tuy nhiên vai trò của từng bị cáo trong vụ việc là khác nhau nên cần được xem xét cẩn trọng. Theo đó, 31/41 bị cáo có tình tiết tăng nặng vì thực hiện hành vi từ hai lần trở lên. Trong quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo đều nhận được tình tiết giảm nhẹ vì đã thành khẩn khai nhận hành vi, là người dân tộc thiểu số, tự động khắc phục một phần hoặc khắc phục hoàn toàn hậu quả. Ngoài ra, tại phiên tòa, phía bị hại cũng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Căn cứ các tình tiết và chứng cứ của vụ án, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên 40 bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo H BLuên Kriêng được xem là người chủ mưu trong vụ án, đã cùng những người khác thực hiện 59 vụ lừa đảo đối với 11 nhà hàng tiệc cưới, tổng số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, bị tuyên mức án cao nhất là 15 năm tù. Các bị cáo còn lại có mức án từ 1 - 8 năm tù; có 10 bị cáo bị tuyên 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo; một bị cáo bị tuyên 9 tháng 17 ngày và đã chấp hành xong án. Tổng mức án hơn 120 năm tù.

Hoài Thu

Tin liên quan

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội

Tại tỉnh Phú Yên, thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong ngân hàng, bán tiền giả... Hình thức, chiêu trò lừa đảo của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng "sập bẫy".


Gia Lai ngăn chặn tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt sổ đỏ của đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 26/5, thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đang tăng cường công tác điều tra, ngăn chặn tình trạng lừa đảo chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sau nhiều vụ việc được người dân phản ánh đến cơ quan chức năng.


Cảnh báo tình trạng lừa đảo vay vốn ngân hàng trong vùng dân tộc thiểu số

Trung tá Phạm Chính Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ vỡ nợ nông sản, lừa chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vỡ hụi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số.



Đề xuất