Đắk Lắk giảm thiểu xung đột giữa voi và người

Đắk Lắk giảm thiểu xung đột giữa voi và người

Ngày 29/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo tham vấn đánh giá thực trạng và xây dựng chiến lược giảm thiểu xung đột giữa voi và người tại tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk giảm thiểu xung đột giữa voi và người ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Mục tiêu của hội thảo là đánh giá đúng thực trạng về tình hình xung đột giữa voi và người để xây dựng chiến lược nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa số vụ cũng như thiệt hại do xung đột voi – người; ngăn chặn các hành vi săn bắn, giết hại voi trái pháp luật, cải tạo và khôi phục sinh cảnh sống để quần thể voi phát triển lâu dài, tiến tới góp phần bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, tại Đắk Lắk, bảo tồn voi được gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Thời gian qua, đàn voi nhà được chăm sóc thú y, chăm sóc sức khỏe và có tuổi thọ tốt hơn.

Đàn voi hoang dã đã có cơ cấu bầy đàn đầy đủ voi đực, voi cái, voi trưởng thành và voi con. Tình trạng săn bắn, sát hại voi đã chấm dứt nhiều năm nay. Nhiều giải pháp giảm thiểu xung đột giữa voi và người đã được triển khai, hạn chế được nhiều thiệt hại về hoa màu, tài sản, tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Người dân bị voi phá hoại về hoa màu, tài sản được Nhà nước hỗ trợ khắc phục thiệt hại, yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, những khó khăn mà tỉnh Đắk Lắk đang phải đối mặt đó là đàn voi nhà còn lại khá ít, ngày càng già yếu, bị nuôi nhốt cô lập lâu năm trong điều kiện thiếu nơi chăn thả, ít có cơ hội gặp gỡ giao phối sinh sản. Đàn voi hoang dã vẫn thường xuyên xung đột với con người, gây ra nhiều thiệt hại về hoa màu, tài sản, thậm chí voi đã sát hại cả con người.

Cơ sở vật chất kỹ thuật cho bảo tồn voi còn nhiều thiếu thốn. Trung tâm bảo tồn voi chưa xây dựng được khu nghiên cứu sinh sản voi nhà và cứu hộ voi hoang dã, chưa có những trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho công tác bảo tồn voi, nhất là các trang thiết bị để xử lý những tình huống xảy ra xung đột giữa voi với con người.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích tình trạng xung đột voi – người trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nguyên nhân, giải pháp để giảm thiểu tình trạng này; đồng thời, các đại biểu cũng đã góp ý vào chiến lược giảm thiểu xung đột giữa voi và người tại tỉnh Đắk Lắk. Đa số đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến xung đột voi – người là do sinh cảnh của voi bị nhiễu loạn, người dân lấn chiếm đất rừng và sản xuất nông nghiệp trên sinh cảnh của voi.

Để giảm thiểu xung đột giữa voi – người, cần rà soát lại 9 tổ bảo vệ voi ở các xã có xảy ra xung đột để tổ chức lại, đào tạo, phản ứng nhanh; cần có chính sách riêng bảo vệ hành lang sinh cảnh của voi, xem xét chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với bảo tồn voi, có giải pháp sống an toàn và hài hòa với voi…

Theo bà Dionne Slagter, Quỹ phúc lợi động vật thuộc Tổ chức động vật Châu Á, tình trạng xung đột giữa voi và người nguyên nhân chủ yếu là do con người. Bên cạnh tình trạng lấn chiếm đất rừng ảnh hưởng đến sinh cảnh của voi, tình trạng chăn thả số lượng lớn gia súc trong vườn Quốc gia Yok Đôn đã làm nguồn thức ăn và nguồn nước của voi bị thiếu hụt, dẫn đến voi phải đi tìm ở nơi khác. Do đó, phải đảm bảo nguồn thức ăn, nguồn nước cho voi và nên xây dựng khu vực an toàn dành cho voi và cho cả con người.

Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Ea Súp (Đắk Lắk) Nguyễn Như Hoàng thì cho rằng, hiện nay tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tốc độ phá rừng diễn ra quá nhanh mà Đắk Lắk chỉ đang loay hoay tìm giải pháp để bảo tồn voi, như vậy việc bảo tồn voi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một số xã của huyện Ea Súp như Ya Tờ Mốt, Ea Bung, người dân lấn chiếm đất rừng làm rẫy, trồng cây ăn trái. Như vậy tới mùa cây ra quả chín, voi về thì phải có giải pháp ứng phó như thế nào để giảm xung đột?

Bên cạnh đó, trong dự thảo chiến lược có một giải pháp là trồng loại cây mà voi không ăn và không phá được. Thực tế, đất ở huyện Ea Súp rất khó để các loại cây sinh trưởng, phát triển, vì vậy phải tính toán là trồng loại cây gì phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đảm bảo nguồn thu nhập tối thiểu cho người dân.

Theo ông Ngô Lê Trụ, Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp), cần phân tích rõ hơn nguyên nhân của các xung đột giữa voi và người, tập tính của quần thể voi và xác định chu kỳ xung đột voi – người có thường xuyên lặp lại không để từ đó có phương án phòng ngừa hiệu quả. Thực tế ở Ấn Độ đã có những giải pháp để người và voi sống hài hòa, không gây ức chế, stress cho voi.

Ở Việt Nam, con người đang lấn vào sinh cảnh của voi dẫn đến voi thiếu thức ăn, nước uống. Trung bình một con voi trưởng thành cần 150kg thức ăn/ngày. Do đó, cần có chính sách phát triển nguồn thức ăn, cải thiện sinh cảnh và môi trường sinh thái cho voi và xây dựng các hồ nước tự nhiên, bổ sung khoáng chất trong các hồ nước.

Đắk Lắk là một trong ba tỉnh thuộc Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 763 ngày 21/5/2013. Đắk Lắk cũng là tỉnh có nhiều voi nhất cả nước, hiện tại có 44 cá thể voi thuần dưỡng phân bố ở huyện Lắk và Buôn Đôn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 80 – 100 cá thể voi hoang dã đang sinh sống trên những cánh rừng tự nhiên thuộc địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo và Cư M’Gar.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm