Đắk Lắk: Giám sát, phát hiện sớm ca mắc tay chân miệng, hạn chế lây lan ra cộng đồng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2023 tới nay, toàn tỉnh ghi nhận 76 trường hợp mắc tay chân miệng, rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có một trường hợp tử vong.

Dak Lak: Giam sat, phat hien som ca mac tay chan mieng, han che lay lan ra cong dong hinh anh 1Bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viên Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh: vov.vn

Cụ thể, bệnh nhi tử vong là cháu T.H.A (nam, sinh năm 2022, tại thị xã Buôn Hồ). Ngày 19/5, cháu khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 độ C, ho khan ít. Gia đình đưa cháu đi khám tại phòng khám tư nhân với chẩn đoán viêm họng cấp, có uống thuốc hạ sốt 3 lần/ngày.

Đến ngày 22/5, cháu sốt li bì, người nhà đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ), sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma thuột). Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán suy hô hấp độ IV, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi bệnh tay chân miệng, theo dõi viêm não màng não, theo dõi viêm cơ tim cấp. Khoảng 15 giờ cùng ngày, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan, bệnh tay chân miệng độ IV, viêm cơ tim cấp.

Trước trường hợp tử vong này, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, người dân cần chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống (đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng). Các bậc phụ huynh thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ em, kịp thời phát hiện, điều trị trường hợp mắc bệnh tránh để quá lâu gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch về phòng, chống bệnh tay chân miệng năm 2023 với mục tiêu giảm số ca mắc bệnh, 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại nhà trẻ, trường học, cộng đồng; cách ly, xử lý tốt môi trường ở bệnh viện hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng tới người dân…

Nguyên Dung

Tin liên quan

Sóc Trăng: Số ca mắc sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tăng

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng (CDC Sóc Trăng), từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng nhanh, nhất là trong giai đoạn đang chuyển mùa, vào đầu mùa mưa như hiện nay.


Ninh Thuận tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý sớm ổ bệnh tay chân miệng

Tại Ninh Thuận, từ đầu năm 2022 đến nay mặc dù số ca mắc tay chân miệng chỉ ghi nhận 17 trường hợp, giảm 68,5% so với cùng kỳ 2021 (17/54 ca). Thế nhưng, do tính chất lây truyền của bệnh, hiện chưa có vaccine phòng bệnh nên khả năng dịch bệnh tăng lên trong thời gian tới là khó tránh khỏi.



Đề xuất