Đắk Lắk công bố nhãn hiệu tập thể Sầu riêng Cư M’Gar

Ngày 29/8, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố Nhãn hiệu sầu riêng Cư M’Gar và kết hợp ra mắt ứng dụng trên thiết bị di động mang tên Thông tin huyện Cư M’Gar.

Dak Lak cong bo nhan hieu tap the Sau rieng Cu M’Gar hinh anh 1Đại biểu thực hiện nghi thức khởi động ứng dụng trên thiết bị di động “Thông tin huyện Cư M’gar”. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Sầu riêng Cư M’Gar được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể Sầu riêng Cư M’Gar theo Quyết định số 5327 ngày 10/7/2023. Giấy chứng nhận có hiệu lực 10 năm tính từ ngày cấp. Đây là cơ sở pháp lý để huyện Cư M’Gar tiếp tục phát triển nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng.

Chủ tịch UBND huyện Cư M'Gar Vũ Hồng Nhật nhấn mạnh, nhãn hiệu Sầu riêng Cư M’Gar tạo cơ sở giúp cho người trồng sầu riêng yên tâm lao động sản xuất, tạo thêm uy tín đối với sản phẩm sầu riêng của huyện, mang lại nguồn lợi có giá trị về kinh tế đối với người trồng sầu riêng. Đây cũng là cơ sở để huyện quảng bá hình ảnh, quê hương và con người huyện Cư M’Gar đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn huyện.

Dak Lak cong bo nhan hieu tap the Sau rieng Cu M’Gar hinh anh 2Trao quyết định, giấy chứng nhận Nhãn hiệu sầu riêng Cư M’Gar. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Huyện Cư M’Gar hiện có khoảng 4.500 ha trồng sầu riêng; trong đó, hơn 1.000 ha cho thu hoạch, phần lớn trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, huyện có 13 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng hoàn thiện hồ sơ 37 mã số vùng trồng sầu riêng. Vụ mùa thu hoạch sầu riêng năm 2023, sản lượng huyện đạt trên 20.000 tấn.

Tại buổi lễ, UBND huyện Cư M’Gar trao chứng nhận mã số doanh nghiệp cho 6 đơn vị; đồng thời, ra mắt ứng dụng mang tên Thông tin huyện Cư M’Gar trên điện thoại di động thông minh. Đây là kênh tương tác, cung cấp, trao đổi thông tin về huyện cho người dân, du khách và doanh nghiệp. Từ đó góp phần phát triển kinh tế số, thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần thay đổi phương thức làm việc của người dân về cơ hội tiếp cận dịch vụ.

Đại diện UBND huyện Cư M’Gar đánh giá, đây là cách làm hay, hiệu quả để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của huyện, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện như: sầu riêng, cà phê, các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất kết nối với doanh nghiệp, với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, những năm gần đây, sầu riêng là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã được một số địa phương trong tỉnh quan tâm, phát triển. Đối với huyện Cư M’Gar, việc xây dựng thương hiệu sầu riêng gắn với địa danh của huyện là việc làm thiết thực, tạo điều kiện để giúp các doanh nghiệp, người nông dân có cơ hội tiếp cận với các đối tác khách hàng trong và ngoài nước.

Huyện đã từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn đối với các loại cây trồng chủ lực của huyện; triển khai xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng; xây dựng mã vùng trồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của một số sản phẩm chủ lực; trong đó, việc triển khai xây dựng thương hiệu Sầu riêng Cư M’Gar.

Để thương hiệu sầu riêng Cư M’Gar trở thành thương hiệu nổi tiếng ở cả thị trường trong nước và quốc tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đề nghị, huyện Cư M’Gar đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để các doanh nghiệp và người dân biết, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận một cách hiệu quả; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị huyện cần hoàn thành việc xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng; định hướng phát triển chuyên canh vùng sầu riêng một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng; tích cực thúc đẩy phát triển mã số vùng trồng về cả số lượng, diện tích và quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm tại vùng trồng.

Hoài Thu

Tin liên quan

"Loạn" xây dựng kho, vựa thu mua sầu riêng tại Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 22.458 ha sầu riêng, chiếm 26,4% diện tích sầu riêng của cả nước; là tỉnh có diện tích về loại quả này lớn thứ hai sau tỉnh Tiền Giang. Những năm gần đây, giá trị và lợi nhuận từ loại trái cây này tăng cao, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, cũng từ đó, hàng loạt các cơ sở thu mua, kho, vựa sầu riêng mọc lên ở các vùng nguyên liệu. Đáng nói là nhiều cơ sở bất chấp các quy định của pháp luật để hình thành và làm "loạn" trật tự xây dựng cũng như kéo theo nhiều hệ lụy khác.


Đắk Lắk tăng cường hiệu quả cấp và quản lý mã số vùng trồng

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 51.798 ha cây ăn quả; trong đó, sầu riêng là cây chủ lực với diện tích 22.458 ha. Nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.


Đắk Lắk: Để “hương sầu riêng” thực sự bay xa

Sự kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đầu tiên được tổ chức tại Đắk Lắk mới đây là niềm tự hào không chỉ của người trồng sầu riêng Đắk Lắk mà còn là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay.



Đề xuất