Đắk Lắk có ca bạch hầu đầu tiên tại thành phố Buôn Ma Thuột

Sáng 4/9, Ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khoanh vùng, dập dịch tại khu vực ca bệnh sinh sống.

Dak Lak co ca bach hau dau tien tai thanh pho Buon Ma Thuot hinh anh 1Khu vực điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Cụ thể, bệnh nhân là bé trai Y.M.E, sinh năm 2017, dân tộc Êđê, trú tại thôn 7, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. Sáng 29/8, bé có biểu hiện sốt cao, được gia đình đưa đến khám tại một phòng khám tư nhân. Tại đây bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm Amidal mủ, kê toa thuốc về nhà uống nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 1/9, gia đình đưa bé đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột và được chỉ định nhập viện điều trị với chẩn đoán theo dõi bạch hầu.

Tối 2/9, bé được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định bé dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột Võ Minh Hùng, sau khi phát hiện ca bệnh bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Êbur, lực lượng y tế thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng cách ly khu dân cư có bệnh nhân sinh sống với 247 hộ, 1.010 nhân khẩu. Lực lượng chức năng phun thuốc khử khuẩn; tổ chức điều tra dịch tễ và cho người dân trong khu vực cách ly uống thuốc dự phòng bệnh bạch hầu.

Trung tâm Y tế thành phố chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường tiến hành rà soát danh sách trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên, người chưa tiêm phòng để tổ chức tiêm phòng vắc xin.

Ông Võ Minh Hùng cho biết thêm, người dân thường có tâm lý chủ quan cho rằng bệnh bạch hầu chỉ xuất hiện ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận ca bệnh đầu tiên và hiện tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng. Do đó, ngành Y tế địa phương khuyến cáo người dân trên địa bàn cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống như: Thường xuyên vệ sinh môi trường, nhà cửa; thực hiện tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh.

Để hạn chế bệnh bạch hầu lây lan rộng trên địa bàn, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định khoanh vùng, cách ly y tế trong vòng 7 ngày, từ 0 giờ ngày 4/9 đến 0 giờ ngày 11/9 đối với khu dân cư có bệnh nhân mắc bạch hầu, tại thôn 7, xã Cư Êbur; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người. Các trường học đứng chân trên địa bàn thôn cho học sinh nghỉ học đến hết thời gian cách ly.

Đến sáng 4/9, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 41 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu ở 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố.

Tuấn Anh

Tin liên quan

Đắk Nông: Ngày 10/9 sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Ngày 28/8, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông cho biết, toàn bộ 37 bệnh nhân tại tỉnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu đều đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện. Tính đến ngày 28/8, tỉnh Đắk Nông có 27 ngày không ghi nhận ca bệnh mới dương tính với vi khuẩn bạch hầu.


Người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống bệnh bạch hầu

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện thêm các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Từ ngày 12-17/8, tỉnh Quảng Trị có thêm 6 ca dương tính với bệnh hầu, nâng tổng số người nhiễm bạch hầu tại địa phương lên 20 người. Tính đến ngày 14/8, tỉnh Đắk Lắk có 33 người dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 13 xã của 5 huyện.


Nỗ lực khống chế và đẩy lùi bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk

Ngày 14/8, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: hiện bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh với 33 ca bệnh được ghi nhận tại 13 xã của 5 huyện là Cư Kuin, Cư Mgar, Krông Bông, Lắk và M’Đrắk. Đặc biệt, hiện ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu nặng và công tác phòng, chống dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.



Đề xuất