Đắk Lắk chuyển đổi gần 50 ha rừng để xây dựng Khu tái định canh Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng

Hồ chứa nước Krông Pách Thượng là công trình thủy lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của 3 huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk nói riêng và của cả tỉnh Đăk Lăk. Ảnh : cmvietnam.vn
Hồ chứa nước Krông Pách Thượng là công trình thủy lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của 3 huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk nói riêng và của cả tỉnh Đăk Lăk. Ảnh : cmvietnam.vn

Ngày 1/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã họp Kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất để xem xét các tờ trình, báo cáo thẩm tra, tiến hành thảo luận, đề nghị làm rõ một số vấn đề và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, có tính xây dựng cao. 

Đắk Lắk chuyển đổi gần 50 ha rừng để xây dựng Khu tái định canh Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng ảnh 1Hồ chứa nước Krông Pách Thượng là công trình thủy lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của 3 huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk nói riêng và của cả tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: cmvietnam.vn

Các đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua 9 Nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Nghị quyết về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương; chủ trương đầu tư và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh; Phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, kế hoạch năm 2022…

Phát biểu tại Kỳ họp, ông Y Vinh Tơr, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, thể chế hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời làm căn cứ để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai, góp phần thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong năm 2022 và các năm tiếp theo mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đã đề ra.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết “Về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng hợp phần Khu tái định canh số 2, công trình Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng”.

Theo đó, HĐND tỉnh đã thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 50 ha rừng sản xuất là rừng trồng thuộc các khoảnh 1, 2, 4, Tiểu khu 689, địa giới hành chính xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk để xây dựng hợp phần Khu tái định canh số 2, công trình Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng.

Việc thông qua Nghị quyết này đã tạo hành lang pháp lý tháo gỡ “nút thắt” để sớm triển khai xây dựng hợp phần Khu tái định cư số 2 nhằm bố trí đất phục vụ tái sản xuất cho các hộ dân phải di dời; tái định canh ổn định sản xuất do giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Nghị quyết giúp sớm ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp cho người dân tái định canh, định cư tại nơi ở mới; góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương, cung cấp nước sạch nông thôn, nâng cao dân trí, văn minh ở nông thôn, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, góp phần hoàn thành mục tiêu cắt giảm và phòng chống lũ, úng cho khu vực hạ lưu, cải thiện, phục hồi các hệ sinh thái lưu vực sông Sê Rê Pốc và ứng phó biến đổi khí hậu khu vực liên quan.

Dự án công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư vào năm 2009. Đây là dự án nhóm A nằm trên địa bàn các huyện Ea Kar, M’Đrắk và Krông Pách do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư ban đầu gần 3.000 tỷ đồng. Đến năm 2018, dự án được điều chỉnh quy mô vốn lên hơn 4.400 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Theo kế hoạch, khi hoàn thành, dự án sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 14.900 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho gần 73.000 người, phục vụ chăn nuôi, cắt giảm lũ cho vùng hạ du... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng chậm khiến dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Anh Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm