Đắk Lắk chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Điều này không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh mà còn góp phần hoàn thành những mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra về phát triển toàn diện tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Đắk Lắk chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ảnh 1Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Đại học Tây Nguyên là một trong những "kho" đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực với trình độ đại học, trên đại học cho khu vực Tây Nguyên. Hiện Đại học Tây Nguyên có 36 ngành đại học, 12 ngành thạc sỹ, 5 ngành tiến sỹ với tổng số gần 9.000 sinh viên, học viên. Để phát huy vai trò trong tình hình mới, Đại học Tây Nguyên đang tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực cho nhiều ngành, nghề khác nhau.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập vào năm 1977, là cơ sở đào tạo đa ngành, tạo nguồn nhân lực cho cả nước, trong đó chú trọng nhất là nhân lực cho vùng Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk. Hoạt động đào tạo của nhà trường luôn có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp trường đào tạo đa ngành, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, phát triển toàn diện năng lực của người học. Đặc biệt, với đặc thù là trường có đông đảo sinh viên, học viên là đồng bào dân tộc thiểu số nên quá trình đào tạo của nhà trường cũng gắn liền với các hoạt động phù hợp, vừa đào tạo chuyên môn vừa giữ gìn, phát triển những di sản và bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em khu vực Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, bề dày lịch sử của nhà trường luôn song hành với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên, nhiều sinh viên của trường đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị và thành công trên các lĩnh vực khác nhau. Để tiếp nối truyền thống và đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương cũng như khu vực trong tình hình mới nhà trường đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Nhà trường căn cứ vào nhu cầu xã hội, đặc biệt là các cơ quan, tập đoàn ngày càng đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao để đào tạo đáp ứng theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Trên cơ sở đó nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông qua việc phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị tuyển dụng lao động tham gia xây dựng chương trình đào tạo cùng với nhà trường đáp ứng được chuẩn đầu ra cho nhu cầu tuyển dụng.

Nhằm tăng khả năng vận dụng, kỹ năng thực hành, thực tế cho sinh viên, Đại học Tây Nguyên đã tổ chức hỗ trợ sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp; tìm việc làm thêm, giới thiệu việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp; đưa học sinh, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài theo hình thức trao đổi học thuật, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn. Kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng nhân lực, thực hiện các hợp đồng cung ứng chuyên gia, nhân lực trình độ cao theo cơ chế đặt hàng cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, xúc tiến tạo nguồn xuất khẩu nhân lực.

Bên cạnh những cơ sở đạo tào có "thâm niên" trên địa bàn, tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng thu hút, tạo điều kiện để hình thành các cơ sở giáo dục, đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trường Đại học Đông Á đã quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk với các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ở hiện tại và tương lại của khu vực Tây Nguyên. Trong giai đoạn 2022-2030 của phân hiệu có 6 ngành đào tạo là Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Công nghệ thực phẩm, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Đại học Đông Á cho biết: Đại học Đông Á, với tinh thần rộng mở và khoáng đạt, sẽ và phải đóng góp cho cộng đồng, đóng góp vào việc nâng cao năng lực làm việc của một vùng. Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk sẽ thúc đẩy đồng thời các ngành kinh tế, Logistics, du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, các ngành về sức khỏe và ngôn ngữ nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vừa giỏi về chuyên môn vừa được trang bị kỹ năng thực hành, trải nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu công việc ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao là người địa phương trong các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Công nghệ thực phẩm… sẽ góp phần đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên trong tương lai gần.

"Với đặc thù khu vực Tây Nguyên có đông đảo đồng bào các dân tộc anh em sinh sống, Đại học Đông Á sẽ có những ưu đãi đối với sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ các em trong quá trình học tập. Chính các em sẽ là những nhân tố quan trọng để đưa những lợi thế của vùng, nhất là nông nghiệp, du lịch, chế biến… phát triển theo hướng hiện đại và đem lại nguồn lợi nhiều hơn cho người dân và xã hội". Bà Nguyễn Thị Anh Đào chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, Nghị quyết 17 của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 khâu đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, ngày 15/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ trọng tâm là "Xây dựng các Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng; tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển vùng Tây Nguyên. Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên".

Do đó, việc duy trì, phát triển và hình thành mới các cơ sở đào tạo có quy mô lớn, hiện đại tại tỉnh là một hướng đi kịp thời, góp phần cùng tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết số 152/NQ-CP, chung tay đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên trong thời gian tới. Về phía địa phương, luôn chú trọng và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho phát triển giáo dục, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, ông Nguyễn Tuấn Hà cho hay.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm