Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, cầu nguyện cho vong linh nạn nhân siêu đăng Phật quốc. 

: Quang cảnh Đại lễ cầu siêu. Ảnh;Văn Đạt- TTXVN:
Quang cảnh Đại lễ cầu siêu. Ảnh;Văn Đạt- TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ở Việt Nam, mỗi ngày có 24 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với trên 60 người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát, đau thương. Những di chứng mà mỗi tai nạn giao thông để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại Đại lễ cầu siêu. Ảnh;Văn Đạt- TTXVN
 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại Đại lễ cầu siêu. Ảnh;Văn Đạt- TTXVN

Bộ trưởng Đinh La Thăng kêu gọi các cơ quan hữu quan, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông để cho niềm vui về hạnh phúc, an toàn và bình yên trọn vẹn đến với mỗi người dân khi tham gia giao thông và đến với mọi người, mọi nhà. 

“Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn. Lùi đi một bước, thoát được tai ương” – đây là lời nhắn nhủ của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại buổi lễ. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng chỉ trong phút chốc vô thường, vì một giây phút bất cẩn mà đưa đến tử vong mất mát, đau thương, tang tóc. Một phần do oan nghiệp, cộng nghiệp, biệt nghiệp của mỗi cá nhân, một phần do bất cẩn gây ra, nhất là không tôn trọng luật pháp, luật an toàn giao thông, không tôn trọng và bảo vệ tính mạng cho chính mình, cho người khác và cộng đồng xã hội. Vì thế, đã biết bao người phải chết, và biết bao người bị thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. 

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh;Văn Đạt- TTXVN
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh;Văn Đạt- TTXVN

Chỉ trong 10 tháng năm 2015, đã có hơn 7000 người chết vì tai nạn giao thông và hàng ngàn người khác đã phải chịu thương tật suốt đời. Đây là lời cảnh báo nguy cấp mà mọi người cần phải có trách nhiệm quan tâm tìm giải pháp, nỗ lực tuyên truyền ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, trách nhiệm đảm bảo an toàn xã hội, giữ gìn tính mạng, sự sống trân quý, thiêng liêng của mỗi người trong cuộc sống hôm nay và mai sau. 

Có thể bạn quan tâm