Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - năm 2022: Khát vọng cống hiến

Bà A Hà (49 tuổi, người dân tộc Bahnar), Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ thôn Ama Hlil 2, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Bà A Hà (49 tuổi, người dân tộc Bahnar), Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ thôn Ama Hlil 2, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nhiệm kỳ XII, cùng với cả hệ thống chính trị, cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ khắp cả nước đã luôn nỗ lực không ngừng, tích cực học tập, lao động khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện khát vọng cống hiến và vươn lên mạnh mẽ...

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - năm 2022: Khát vọng cống hiến ảnh 1Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” đã và đang lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh, có nhiều tấm gương hội viên điển hình Hội Phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số giúp nhau vươn lên vượt khó, ổn định cuộc sống. Chị Thị Bình (41 tuổi, áo hồng đứng giữa), người dân tộc S’tiêng ở huyện Phú Riềng là một trong những hội viên tích cực tham gia phong trào Hội Phụ nữ của xã Phú Riềng. Hơn 5 năm qua, chị cùng gia đình đã hiến tặng trên 300 m2 đất gần nhà và hỗ trợ 7 phụ nữ trong thôn Phú Thuận, xã Phú Riềng xây dựng nhà ở. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Phụ nữ thành công trên mọi lĩnh vực

Những năm gần đây, các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã có những tiến bộ rõ nét, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 21% (tăng 2% so với nhiệm kỳ trước); 9,5% Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là nữ. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

Hiện cả nước có đến 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hàng nghìn nhà khoa học nữ đang ngày đêm cống hiến trí tuệ của mình cho sự phát triển của đất nước. Đây là những con số rất ấn tượng, thể hiện sự của sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của phụ nữ và công tác phụ nữ; cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của các cấp Hội.

Trước tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng đã linh hoạt tìm được cách thích ứng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bằng chứng là số lượng dự án gửi về dự thi cấp trung ương Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” năm 2021 tăng 1,6 lần so với năm 2020 đã cho thấy sự sẵn sàng và quyết tâm khôi phục và phát triển kinh tế hậu COVID-19 của phụ nữ. Có thể thấy, phụ nữ khởi nghiệp luôn nỗ lực, sáng tạo không ngừng để duy trì sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của thị trường… Các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp phụ nữ làm chủ công cụ số để truyền thông, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP... chính là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, trong 5 năm vừa qua, điểm nổi bật nhất đó là các tầng lớp phụ nữ đã có rất nhiều nỗ lực, sáng tạo để thích ứng với những thay đổi của xã hội. Hội viên phụ nữ trong cả nước tham gia rất tích cực vào tất cả các phong trào thi đua, đóng góp vào những kết quả phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua, vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục kinh tế.

Một trong những nỗ lực của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thời gian qua là đề xuất được 3 đề án trình Chính phủ và cũng đưa các nội dung hỗ trợ phụ nữ vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển vùng dân tộc thiểu số cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, ở địa phương, các cấp hội trong cả nước cũng đề xuất được khoảng hơn 600 các chính sách, đề án, qua đó cũng góp phần thay đổi đời sống của phụ nữ, huy động được sự tham gia của phụ nữ nhiều hơn vào các hoạt động Hội.

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - năm 2022: Khát vọng cống hiến ảnh 2Bà A Hà (49 tuổi, người dân tộc Bahnar), Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ thôn Ama Hlil 2, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ghi nhận sự tiến bộ của phụ nữ

Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam luôn mang trong mình khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Nguồn năng lượng tiềm tàng ấy tạo thành sức mạnh, giúp phụ nữ Việt Nam có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Có thể thấy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không thể không bao hàm khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ.

Để khẳng định vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển chung của nhân loại, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt: có tri thức, có văn hóa, có kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vượt lên mọi khó khăn thử thách…

Bà Phùng Thị Thơ - Chủ trang trại Nhung Thơ (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh vì đã có nhiều sáng tạo, đi đầu trong việc khai khẩn đất hoang, biến đồi núi khô gằn thành mảnh đất mầu mỡ, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Theo bà Thơ, trong thời đại mới, nhận thức của xã hội về phụ nữ đã thay đổi, bình đẳng hơn, là cơ hội làm kinh tế cho gia đình, mang lại sản phẩm cho xã hội. Tuy nhiên, bà Thơ cho rằng, phụ nữ muốn thành công phải thực sự nỗ lực, chịu khó học hỏi và kiên trì theo đổi mục tiêu mà mình đã chọn…

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đối với phụ nữ như chính sách bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội việc làm… Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội. Tỉ lệ đại diện phụ nữ trong các cơ quan dân cử đều ở mức cao; chỉ số phát triển giới của Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp 87/153 về Chỉ số thu hẹp khoảng cách giới.

Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong 35 năm qua, đã có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương (Viện Hóa học và các hợp chất thiên nhiên) cho biết, phụ nữ ngoài việc theo đuổi đam mê và cống viên, còn phải đảm đương thiên chức của mình trong gia đình nên càng khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới đã thay đổi rõ rệt, phụ nữ có nhiều cơ hội và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình, xã hội. Những giải thưởng danh giá dành cho phụ nữ thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự cống hiến của phụ nữ trong thời gian qua...

Tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến việc phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong các kỳ đại hội trước, đồng thời, khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Phụ nữ giờ đây không chỉ là một phần quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình mà còn trở thành một lực lượng có vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế đất nước. Số lượng của doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Hội đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025. Đây là một đề án hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông dân có thể phát triển và làm giàu trên quê hương của mình.

"Thông qua các ngày phụ nữ khởi nghiệp, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều những ý tưởng tốt và hỗ trợ cho chị em tiếp cận, gặp gỡ những doanh nhân để chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời kết nối và tiêu thụ các sản phẩm. Chúng tôi rất tự hào vì đã hỗ trợ được cho phụ nữ ở rất nhiều ngành, nghề khác nhau, có thể khởi nghiệp", bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ

Để tiếp tục phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, Phó Chủ tịch Trung ương Hội cho hay, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế vẫn sẽ tiếp tục được duy trì như giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay hoặc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ bằng hình thức trực tuyến. Hiện nay, Hội đã tổ chức một số các lớp tập huấn về bán hàng thương mại điện tử, bán hàng online cho phụ nữ và đó là một cách để phụ nữ có thể tiếp tục phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc để giám sát việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ nhân sự, hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông qua các đợt giám sát, các doanh nghiệp nữ có khó khăn đặc thù sẽ được quan tâm và hưởng các chính sách của Chính phủ một cách bình đẳng và phù hợp hơn…

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm