Tỷ phú sầu riêng Lục Văn Cang ở huyện miền núi Khánh Sơn

Tỷ phú sầu riêng Lục Văn Cang ở huyện miền núi Khánh Sơn
Vườn sầu riêng tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
 Vườn sầu riêng tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Năm 1999, sầu riêng được đưa về trồng thử nghiệm ở Khánh Sơn. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên sầu riêng phát triển nhanh và nhiều quả với đặc điểm: vỏ mỏng, cơm dày, múi to mịn, ngọt vàng, béo ngậy, thơm ngon...

Gần đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Sầu riêng Khánh Sơn" và Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn là Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam dành cho loại trái cây ngon "thượng hạng" của địa phương này.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện địa phương có hơn 916 ha sầu riêng, trung bình 70 - 100 tạ/ha, sản lượng bình quân hàng đạt 3.200 tấn với giá thu mua ổn định 40.000 – 60.000 đồng/kg. Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Khánh Sơn đang giữa mùa thu hoạch sầu riêng. Dự báo, năng suất cây sầu riêng có thể tăng 30 – 40%, được mùa hơn so với vụ trước.

Vận chuyển sầu riêng đến điểm tập kết để bán cho thương lái. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Vận chuyển sầu riêng đến điểm tập kết để bán cho thương lái.
Ảnh: Phan Sáu – TTXVN

Được mệnh danh là "tỷ phú sầu riêng", anh Lục Văn Cung, vốn quê ở tỉnh Quảng Ngãi, vào xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn lập nghiệp. Những ngày đầu vào địa phương lập nghiệp, anh chỉ đi làm thuê với hai bàn tay trắng, nhưng hiện làm nên cơ nghiệp khi đang sở hữu diện tích 3 ha sầu riêng.

Theo anh Lục Văn Cung, năm nay, mùa sầu riêng vườn của gia đình cho năng suất 15 tấn/ha, nhờ giống cây có chất lượng tốt và chăm sóc đúng kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh. Hiện thương lái mua sầu riêng tại vườn với giá 30.000 - 60.000 đồng/ kg. Trừ chi phí thuê nhân công, chăm sóc lợi nhuận do sầu riêng mang lại đủ để anh mua thêm đất và mở rộng nhiều diện tích sầu riêng vụ tới.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, thời kỳ kinh doanh, mỗi ha sầu riêng, người dân đầu tư từ 25 - 30 triệu đồng. Thu nhập bình quân khoảng 400 - 600 triệu đồng/ha, sầu riêng đạt lợi nhuận khá. Hiện chất lượng, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn được khẳng định trên thị trường và sầu riêng Khánh Sơn cho quả muộn (Mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu vào tháng 6 hàng năm, kết thúc trung tuần tháng 8) nên giá cao hơn mọi năm. Cách làm này giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn thay đổi cuộc sống, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có của ăn, của để từ cây sầu riêng.

Sầu riêng Khánh Sơn được bày bán tại Hội chợ. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Sầu riêng Khánh Sơn được bày bán tại Hội chợ. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Trưởng ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng, địa phương được thiên nhiên  ưu đãi  nên có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Nhiều loại nông sản tại địa phương khẳng định được thương hiệu, đem lại thu nhập đối với người dân.

Hiện ngoài những nhà vườn được đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật thì còn nhiều hộ sản xuất manh mún nên chất lượng đầu ra chưa đồng đều. Tỷ lệ sầu riêng loại 2, loại 3 chiếm phần lớn sản lượng. Một số loại sâu, bệnh trên cây sầu riêng xuất hiện nhiều, nhất là gần dịp thu hoạch khiến trái sầu riêng bị thối. Việc ứng dụng một số kỹ thuật chăm sóc mới trên cây sầu riêng còn hạn chế.

“Huyện Khánh Sơn cần phải xác định lợi thế phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để các hộ cải tạo vườn, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị; tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; chú trọng giải pháp kỹ thuật bảo vệ các loại cây trồng….”, ông Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết, để thương hiệu nông sản Khánh Sơn vươn xa, ngoài việc phát triển thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, huyện sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu đối với các loại nông sản chủ lực khác. Mới đây, huyện tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ I (từ ngày 17 -18/8).

Thu hoạch sầu riêng tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Thu hoạch sầu riêng tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn.
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Qua hội chợ, lễ hội nhiều loại nông sản của Khánh Sơn đến được với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Cách làm này giúp kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, công nghệ mới theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Đối với chương trình một xã một sản phẩm, thời gian qua, huyện chuyển đổi cơ cấu một số cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh, quýt với diện tích chuyển đổi thành công 2.787 ha. Địa phương ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp nhất là cây sầu riêng; mở lớp tập huấn, mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật và sản xuất cho hộ nông dân.

Khánh Sơn đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hướng tới mục tiêu là điểm đến lý tưởng của du khách, nhắc đến Khánh Sơn, người dân và du khách nhớ tới một điểm đến với nhiều trái ngon giữa bốn bề rừng núi.

Phan Sáu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm