Trải nghiệm thêu sáp ong của đồng bào Dao Tiền

Trải nghiệm thêu sáp ong của đồng bào Dao Tiền
Du khách nước ngoài trải nghiệm, xem các nghệ nhân thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm.
Du khách nước ngoài trải nghiệm, xem các nghệ nhân thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm.

Đến đây bạn sẽ bị cuốn hút bởi bàn tay “vàng” của nghệ nhân cao tuổi, trung niên, thanh niên dân tộc Dao Tiền tỉ mẩn, chăm chút từng công đoạn thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm. Mỗi một hoa văn, họa tiết, hình khối thêu đều có phát tích nhân văn từ những câu chuyện trong huyền thoại dân tộc Dao Tiền.

Để lưu giữ triết lý nhân sinh quan cao đẹp qua những câu chuyện huyền thoại của mình, người Dao Tiền đã hình tượng hóa những triết lý đó lên các tác phẩm nghệ thuật thêu. Con gái dân tộc Dao Tiền khi đến tuổi thanh xuân phải có đôi bàn tay khéo léo may vá, thêu thùa giỏi thì mới được công nhận là phụ nữ trưởng thành, đảm đang. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái được mẹ truyền dạy cho từng đường khâu, mũi thêu tinh tế để biết khâu, thêu hoa cầu kỳ tinh xảo trên áo váy, túi, chăn, địu...; biết trồng bông, dệt, nhuộm vải làm áo chàm mặc bền màu...

Nghệ thuật thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm là sự kỳ công và nghệ thuật cao. Trước tiên, dệt thổ cẩm, sợi bông được nấu lên, cho thêm chút gạo để sợi bông cứng không đứt, sau đó vắt khô đem phơi rồi cho vào khung để dệt thành vải. Nguyên liệu chính để dệt vải thổ cẩm là sợi cây đay, lanh, cây chàm do người dân tự trồng. Sau khi thu hoạch cây đay, lanh bà con tuốt lấy vỏ và se sợi, dệt vải. Đối với vải chàm được dùng để may quần áo, vải dệt xong đem nhuộm chàm khá phức tạp với nhiều công đoạn. Cắt cây chàm về ngâm nước lọc lấy nước cô đặc thành cao rồi đun với lá ngải, cho thêm nước tro và rượu vào hòa lẫn nhau. Trước khi nhuộm vải, cần ngâm vải vào nước lã rồi mới ngâm tiếp vào nước chàm, vải được ngâm trong nước chàm khoảng 30 phút rồi vắt bớt nước đem phơi nắng, làm như vậy nhiều lần khi nào lên màu vải ưng ý mới thôi. Vải để may trang phục và các đồ dùng tiện ích khác; thêu nghệ thuật sáp ong lên vải chàm trang trí viền áo, váy tôn lên nét đẹp độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao.

Từ đôi tay khéo léo của nghệ nhân, bạn sẽ được xem chi tiết cách in hoa văn trên vải rất độc đáo, công phu. Nguyên liệu thêu là sáp ong. Lấy sáp ong từ những tổ mật ong rừng đem về, sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Sau đó tiếp tục đun phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại thì đổ ra để nguội khoảng 2 - 3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Sáp ong khi đun nóng để in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt. Chuẩn bị dụng cụ để in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác từ 5 - 10 chiếc, rộng từ 1 -  5 cm để tạo nên các hoa văn với nhiều kích thước khác nhau. Đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn... rồi dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn. Lấy một phần sáp ong trong khối sáp được đun đông từ trước đem đun nóng và lọc lại cho thật sạch không bị lẫn tạp chất, đặt sáp ong lên than hoa để lửa nhỏ đủ độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn. Dùng dụng cụ bằng tre nhúng vào sáp ong vẽ hoa văn theo chủ định lên vải. Việc in ấn làm liên tục khi nào hết khổ vải. Để có được những tấm vải in sáp ong đẹp, sau khi in sáp ong lên vải chờ sáp ong khô thì phải đem nhuộm chàm rồi phơi. Tiếp đến nhúng tấm vải chàm vào nước sôi để sáp ong tan ra thì các hoa văn đã in mới hiện ra rõ nét trên nền chàm.
 
Du khách xem các sản phẩm thêu hoa văn sáp ong.
Du khách xem các sản phẩm thêu hoa văn sáp ong.

Trải nghiệm thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm của bản Khuổi Hoa trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, bạn không chỉ được biết về nghệ thuật thêu thủ công tài hoa, tinh xảo của đồng bào Dao Tiền nơi đây mà còn thấy sự hiện hữu nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời được phát huy với nhịp sống hiện đại.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm