Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực “Thủy sản hồ Thác Bà”

Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực “Thủy sản hồ Thác Bà”
UBND huyện Yên Bình và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển cá sạch Việt Nam ký biên bản ghi nhớ phối hợp thực hiện tiêu thụ sản phẩm các thịt thương phẩm hồ Thác Bà. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
UBND huyện Yên Bình và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển cá sạch Việt Nam ký biên bản ghi nhớ phối hợp thực hiện tiêu thụ sản phẩm các thịt thương phẩm hồ Thác Bà. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Lãnh đạo đại diện UBND tỉnh Yên Bái; lãnh đạo Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương; Nuôi trồng thủy sản của Tổng cục Thủy sản; cùng một số nhà khoa học về nuôi trồng thủy sản thuộc Cục Sở hữu trí tuệ; Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhậu khẩu thủy sản... đã tham dự hội nghị.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, huyện có vùng hồ Thác Bà với diện tích 15.900 ha là điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản. Thời gian qua huyện luôn quan tâm phát triển toàn diện về thủy sản từ nuôi trồng, khai thác, bảo vệ, giá trị thủy sản hàng năm tăng bình quân 20%, chiếm 20% tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp.

Toàn huyện có 20 xã thị trấn được giao quản lý mặt nước hồ Thác Bà và có 2 doanh nghiệp, 5 HTX và trên 300 hộ dân nuôi cá lồng và cá quây lưới; trên hồ Thác Bà có 1.850 lồng cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá. Sản lượng thủy sản năm 2019 ước đạt 10.500 tấn. Tháng 10/2019, sản phẩm cá hồ Thác Bà được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận  “Cá hồ Thác Bà”.
 
Sản phẩm cá sấy hồ Thác Bà. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Sản phẩm cá sấy hồ Thác Bà. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định, tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển nông lâm nghiệp thủy sản; hàng năm tỉnh dành trên 50 tỷ đồng để thực hiện các Đề án trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và các chương trình đề án ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng hàng hóa chưa cao, do đó để nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân cần có sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất bao tiêu sản phẩm.
 
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm "Cá sấy hồ Thác Bà". Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm "Cá sấy hồ Thác Bà". Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Đồng thời, ông Khánh mong muốn các đại biểu tham dự nhiệt tình đóng góp ý kiến để tỉnh Yên Bái, đặc biệt là huyện Yên Bình từng bước hoàn chỉnh nâng tầm thương hiệu sản phẩm các hồ Thác Bà, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm đồng thời hỗ trợ tạo lập chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi làm rõ thực trạng phát triển thủy sản hồ Thác Bà; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; công tác quy hoạch vùng nuôi trồng. Đồng thời được nghe nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, từ đó làm rõ những luận cứ khoa học và thực tiễn về vấn đề phát triển chuỗi các sản phẩm chủ lực thủy sản hồ Thác Bà theo hướng ổn định, nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Cũng tại hội thảo này, đại diện UBND huyện Yên Bình và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển cá sạch Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ, thống nhất các nội dung phối hợp thực hiện tiêu thụ sản phẩm các thịt thương phẩm hồ Thác Bà huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái năm 2020.

Đức Tưởng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm