Nâng cao chất lượng thương hiệu Gạo Phú Thiện

Nâng cao chất lượng thương hiệu Gạo Phú Thiện
Nâng cao chất lượng thương hiệu Gạo Phú Thiện ảnh 1
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) trao Quyết định Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện – Gia Lai cho UBND huyện Phú Thiện. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Thương hiệu Gạo Phú Thiện được tỉnh Gia Lai xây dựng nhãn hiệu gắn với việc duy trì diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 1.200 ha với 3 giống lúa ưu tú là LH12, OM4900 và TBR225. Đây là bộ giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu của huyện Phú Thiện nên cho năng suất bình quân 8,5 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất lúa gạo tại địa phương.

Ông Lưu Đức Thanh - Giám đốc Trung tâm thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu Quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, để quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện một cách hiệu quả, tỉnh Gia Lai cần bố trí nguồn lực nhằm quản lý chặt chẽ vùng sản xuất, chất lượng sản phẩm. Chỉ những sản phẩm đáp ứng tiêu chí chứng nhận mới được xem xét quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đồng thời quản lý chặt chẽ việc cấp, thu hồi quyền sử dụng chứng nhận cho các chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký.
 
Gạo Phú Thiện tại các Hội chợ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Gạo Phú Thiện tại các Hội chợ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoan - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, việc thực hiện các phương án tổ chức sản xuất, đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ nhằm phát triển bền vững nền sản xuất lúa và xây dựng thương hiệu Gạo Phú Thiện là rất cần thiết. Gia Lai cần hình thành công ty chuyên biệt về sản xuất, thu mua sản phẩm, chế biến, tiêu thụ gạo và thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất lúa gạo chất lượng cao để hòa nhập ngay vào thị trường gạo trong nước và quốc tế. Mặt khác, tỉnh cần ứng dụng triệt để “ba giảm, ba tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng đạm bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế; tăng chất lượng sản phẩm); ứng dụng nhanh cơ giới hóa đồng bộ khâu sản xuất.        

Ngoài ra, chính quyền huyện Phú Thiện cần phối hợp với hội nông dân, hợp tác xã đưa một số giống chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng, thu nhập của xã viên trong quá trình phát triển thương hiệu gạo này; đồng thời, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, tiêu thụ lúa gạo trên cơ sở khối liên kết 4 nhà (khoa học - doanh nghiệp - nông dân - quản lý).

Theo ông Rơ Chăm La Ni - Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, để đưa thương hiệu Gạo Phú Thiện lên tầm cao mới, huyện sẽ tiếp tục tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm; tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức về thị trường sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đề xuất xây dựng dự án nghiên cứu phát triển liên kết với chuỗi giá trị gạo sạch gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái; đồng thời, tập trung nguồn lực cho phát triển vùng lúa gạo, gia tăng sản lượng gắn với bảo vệ môi trường.

Với hơn 6.000 ha diện tích lúa 2 vụ, huyện Phú Thiện được xem là vựa lúa lớn của tỉnh Gia Lai và cả vùng Tây Nguyên, tạo nguồn cung khoảng 30.000 tấn gạo thương phẩm bán ra thị trường. Trên thực tế, nông dân ở huyện Phú Thiện đã chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng lúa đặc biệt là lúa nếp. Với giá lúa như hiện nay, nông dân thu lãi từ 25-30 triệu đồng/ha./.
Hồng Điệp
TTXVN

Có thể bạn quan tâm