Na rừng nặng tới 4 kg mỗi quả có giá tiền triệu

Na rừng nặng tới 4 kg mỗi quả có giá tiền triệu
Thời gian gần đây, na rừng được nhiều người săn lùng về làm thuốc, chữa bệnh. Loại quả này còn có tên gọi khác là quả chí chuôn chua, xưn xe… mọc chủ yếu trong những cánh rừng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên…

Hiện trên thị trường, na rừng bị săn lùng ráo riết và có giá bán dao động từ 150 – 500 nghìn đồng/kg.

Na rừng nặng tới 4 kg mỗi quả có giá tiền triệu ảnh 1
Na rừng có vị ngọt nhẹ, mùi thơm đặc trưng, có tác dụng tốt cho sức khỏe

Anh Hoàng Thành Tâm, một đầu mối thu mua na rừng ở Lạng Sơn cho biết, có hai loại là na trắng và na đỏ. Na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, trong khi na đỏ toàn thân màu đỏ tươi, mùi nhựa thơm rất đặc trưng. Trên thị trường na trắng có giá rẻ hơn do ít có giá trị về dược liệu. Loại quả này không ra quanh năm mà chỉ bắt đầu mùa từ tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm.

Do có giá trị cao về dược liệu nên na rừng được rất nhiều thương lái tìm mua và trả giá cao. Một quả na đỏ có trọng lượng lớn, chín tại cây có giá vào khoảng 500 nghìn đồng/kg, trung bình một quả nặng từ 3 – 4kg có giá vài triệu đồng/quả. Tuy nhiên, hiện nay những quả na to, chín cây rất hiếm, không nhiều.

Na rừng nặng tới 4 kg mỗi quả có giá tiền triệu ảnh 2
Số lượng na rừng giờ rất khan hiếm, muốn mua phải đặt hàng trước cả tuần

“Na rừng không chỉ được các thương lái trong nước săn lùng mà nhiều người Trung Quốc cũng rất ưa chuộng. Ở Trung Quốc người ta gọi quả này là bufuna nghĩa là quả trường thọ.

Quả ăn có vị ngọt nhẹ, cắn thêm một phần vỏ múi mềm sẽ có vị thơm đặc trưng của quả. Đặc biệt quả có thể để chín ăn tươi ngay, ngâm rượu hoặc ủ rượu vang đều rất tốt”, anh Tâm nói.

Theo thương lái này hiện nay diện tích na rừng ngày càng bị thu hẹp khi người dân khai thác cả rễ, thân về bán làm dược liệu.

“Mỗi mùa vụ, tôi gom của các tiểu thương, bà con dân tộc cũng chỉ được trên dưới 1 tạ na rừng. Thời điểm này đang là cuối vụ, na khan hiếm và giá bán cũng cao hơn, nếu muốn mua phải đặt trước mới có hàng”, anh Tâm cho biết.

Na rừng nặng tới 4 kg mỗi quả có giá tiền triệu ảnh 3
Na rừng có 2 loại na trắng và na đỏ

Trong khi đó, anh Hưng một đầu mối thu mua na rừng ở Yên Bái cho hay, na rừng thường mọc trong rừng sâu, chính vì thế để hái loại quả này rất nguy hiểm. “Đây là loại cây thân leo, thường mọc vào những cây thân gỗ lớn. Muốn hái được na phải là những người đi rừng giỏi, am hiểu thổ địa, đôi khi phải đi rừng nhiều ngày mới hái được na”, anh Hưng chia sẻ.

Na rừng đạt yêu cầu là quả không bị thối hỏng, các mắt, khe nứt to. Theo thương lái này, sở dĩ na rừng có giá cao là bởi số lượng khan hiếm và giá trị dược liệu rất lớn. Cây được sử dụng trong các bài thuốc an thần, chữa yếu sinh lý, liệt dương nên rất được ưa chuộng.

Na rừng nặng tới 4 kg mỗi quả có giá tiền triệu ảnh 4
Trung bình một quả na rừng nặng từ 3 – 4kg có giá vài triệu đồng/quả

“Muốn mua hàng, bản thân chúng tôi cũng phải đặt bà con vào rừng tìm hái, sau đó gom mua ở nhiều nơi đổ buôn cho các đầu mối ở các tỉnh hoặc nhà thuốc, bệnh viện. Dù giá cao nhưng số lượng na rừng không nhiều, muốn đặt mua cũng phải chờ nhiều ngày thậm nhiều tuần để gom hàng”, người này khẳng định.

Hiện nay, trên các trang rao bán online, na rừng cũng được rao bán rầm rộ với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, khi liên hệ với một đầu mối bán buôn ở Hà Nội, người này cho biết chỉ có hàng phơi khô, hàng tươi muốn mua phải chờ ít nhất từ 3 – 7 ngày. “Na rừng hiện bán rất chạy và được ưa chuộng. Đây là loại quả chỉ mọc trong rừng nên không có sẵn hàng, hiện giá bán ở Hà Nội vào khoảng 300.000 đồng/kg na đỏ”, người này chia sẻ.

TS Vũ Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, cho biết, na rừng là loại cây có giá trị dược liệu cao, quý hiếm và cần được bảo tồn.
“Đây là loại cây thân leo, lá hình bầu dục thường mọc trong rừng sâu và có độ phủ tán trên 40%, ở độ cao từ 150 – 1200m so với mặt nước biển. Quả na rừng khi chín rất thơm và loài sóc hay tìm để ăn. Đây cũng là một trong 3 vị thuốc trong bài thuốc “Tứn khửn”, bài thuốc chữa yếu sinh lý nổi tiếng của đồng bào dân tộc Sơn La. Ngoài ra, dễ thân cây na rừng cũng có giá trị rất lớn trong Đông Y. Tuy nhiên, hiện nay do giá trị kinh tế cao nên loại cây này đang bị săn lùng ráo riết đến mức báo động”, Ts Vũ Thoại cho hay.
Theo vietnamnet.vn

Có thể bạn quan tâm