Làng nghề ươm tơ Cổ Chất

Làng nghề ươm tơ Cổ Chất
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”

Đã từ lâu, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất (xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, Nam Định) đã đi vào câu ca. bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam. Từ thành phố Nam Định theo Quốc lộ 21 hoặc xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20 km về phía Đông Nam du khách tới thăm làng dệt lụa Cổ Chất. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.

 Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Sau này, người Cổ Chất đã du nhập nghề ươm tơ dệt lụa trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay. Ấn tượng đầu tiên khi mới bước chân đến ngôi làng cổ này là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre.
 
Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Ảnh: internet
Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Ảnh: internet

Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những bó tơ trắng, vàng từ nơi đây sẽ dệt nên biết bao tà áo, tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.

Người làng ươm cả tơ trắng và tơ vàng. Kén tằm được nhập về từ những vùng lân cận hoặc cũng có thể ở xa hơn như Thanh Hóa, Hà Nam hay Thái Bình. Sau 20-25 ngày kén tằm trưởng thành và có thể đem đi kéo sợi. Tơ sau khi phơi khô được các lái buôn đến tận nơi nhập hàng, một phần đổ cho các xưởng dệt, còn phần lớn xuất sang Lào, Thái Lan hoặc Campuchia. Ngoài ra, con nhộng sau khi tuốt kén cũng là món ăn rất ngon và bổ dưỡng - đây cũng chính là nguồn thu nhập phụ của làng.
 
Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Ảnh: internet
Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Ảnh: internet

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Nghề dệt truyền thống của Phương Định được hình thành từ thời Trần, tập trung ở thôn Cự Trữ. Với lợi thế có vùng đất bãi sông Ninh Cơ rộng gần 100ha, ngoài nghề dệt, ở thôn Cổ Chất còn phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi. Những sản phẩm tơ sợi là nguồn nguyên liệu cung cấp cho làng dệt. Do chủ động được nguồn nguyên liệu và nghề dệt phát triển nên từ bao đời nay, ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ đã nổi tiếng khắp vùng, đã được Bác Hồ gửi tặng tấm áo lụa. Dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng tiếng thoi dệt chưa bao giờ thôi rộn ràng ở làng quê này. Bãi dâu, lứa tằm, sợi tơ, khung dệt, đã gắn bó người dân nơi đây từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá của vùng quê. Sản phẩm dệt không chỉ được tiêu dùng trong nước mà còn là sản phẩm mũi nhọn phục vụ xuất khẩu. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kì trước năm 1945. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về Kinh thành Thăng Long. Năm ấy, ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ. Nghề chăn tằm, ươm tơ phát triển mạnh nhất từ sau khi thực dân Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (năm 1897), Cổ Chất nói riêng và Trực Ninh nói chung lúc đó trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho công ty bông vải sợi Bắc Kỳ. Ngày nay, làng còn khoảng 500 hộ theo nghề, mỗi hộ có bình quân 2 bếp ươm tơ.

Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Ảnh: internet
Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Ảnh: internet

Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng. Ngày nay, người già trong làng thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương. Lớp trẻ thì mạnh dạn đầu tư máy móc, xây nhà xưởng để nâng cao năng suất lao động. Từ cái nôi là các làng dệt truyền thống Cự Trữ, Nhự Nương, đến nay, nghề dệt đã phát triển khắp 25 thôn xóm trong xã với trên 800 khung dệt, 50 máy xe và 180 bếp ươm tơ, tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động, thu nhập 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã có 11 cơ sở sản xuất - kinh doanh nghề dệt gồm 2 doanh nghiệp tư nhân, 3 HTX cổ phần, 6 tổ hợp thu hút trên 1.100 lao động tham gia. Trong đó, một số doanh nghiệp, tổ hợp đầu tư hàng trăm khung dệt, thu hút từ 100-300 lao động là: Hợp tác xã Cổ phần Dệt may Trung An, Tổ hợp Dệt Tiền Phương… Sản phẩm chính của dệt Phương Định bây giờ là các loại khăn ăn, khăn tắm, khăn trải bàn, thổ cẩm, màn tuyn, băng gạc y tế… phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Về kỹ thuật làm tơ tằm truyền thống, người làng ở làng Cổ Chất cho biết, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được.

Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng. Ảnh: internet
Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng.
Ảnh: internet

Trải qua bao phen thăng trầm của thời cuộc, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.

Làng dệt Cổ Chất với nghề truyền thống đã góp phần cho đất nước một sản phẩm tơ lụa tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam. Đến làng nghề du khách được tận mắt nhìn những người thợ thủ công ươm tơ, kéo kén dệt lụa trên những khung cửi gỗ thô sơ. Du khách còn có dịp được quan sát cảnh những người nông dân chăn tằm. Sản phẩm của làng nghề là một trong những món đồ lưu niệm mà du khách khó có thể chối từ để kỷ niệm chuyến tham quan du lịch về Nam Định.

Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm