Làng nghề trồng hoa công nghệ cao ở Văn Giang

Làng nghề trồng hoa công nghệ cao ở Văn Giang
Sang nước ngoài học nghề trồng hoa

Không phải dịp Tết, nhưng làng hoa Xuân Quan mùa nào cũng rực rỡ với nhiều sắc hoa từ hoa lan hồ điệp, hoa lily, hoa chậu, cây cảnh, cây trang trí... các loại hoa treo, hoa thảm được trồng trong nhà kính, nhà lưới. Cả làng có hơn 500 hộ trồng hoa, với tổng diện tích khoảng 120 ha, bình quân mỗi hộ có 2.000 m2 đất trồng. Trong đó có nhiều loại hoa độc, lạ chiều lòng thị hiếu người chơi. Nhưng phong phú nhất phải kể tới các loại hoa và cây lá dùng để trồng viền, trồng thảm, trồng treo trong khuôn viên, ban công, nội thất gia đình như các cây trúc Nhật, trúc quân tử, cau Thái Lan, lan Ý, lan đại lộc, vạn niên thanh, trạng nguyên, hải đường, cẩm chướng, cúc ngũ sắc, dạ yến thảo, cẩm tú mai, cây vảy rồng… Trung bình 1 ha canh tác cho lãi thu nhập từ 1 - 3 tỷ đồng.

Làng nghề trồng hoa công nghệ cao ở Văn Giang ảnh 1
Hoa ở Xuân Quan chủ yếu được trồng trong nhà lưới, nhà kính

Để áp dụng được các công nghệ cao vào trồng hoa, nông dân ở đây cũng rất chịu “chơi” khi cùng nhau tổ chức đi sang các nước Thái Lan, Trung Quốc, Phillipines để học nghề trồng hoa bằng nguồn kinh phí tự đóng góp. Anh Võ Tuấn Phong là người đầu tiên đưa nghề trồng hoa dân dụng về địa phương cho hay, là thành viên sáng lập, kiêm Chủ nhiệm HTX Hoa cây cảnh Xuân Quan, mỗi năm anh có hàng chục lần xuất ngoại, vừa tìm mua các giống hoa mới cung ứng cho các xã viên HTX với giá cả phải chăng, vừa làm cầu nối giúp các xã viên ra nước ngoài tham quan học hỏi nâng cao kỹ nghệ trồng hoa.

Anh Lê Mạnh Tuyến, người có diện tích trồng hoa, cây cảnh lớn của xã Xuân Quan cho biết gia đình bắt đầu trồng lan từ hơn 10 năm nay. Ban đầu anh trồng trong nhà với quy mô nhỏ, sau này đầu tư hơn 500 triệu đồng làm nhà lưới rộng 1.000 m2. Thời gian gần đây mỗi năm anh bán hàng nghìn giỏ lan, giá thấp nhất 300.000 đồng, cao nhất khoảng 10 triệu đồng.

Làng nghề trồng hoa công nghệ cao ở Văn Giang ảnh 2
Các hộ ở Xuân Quan đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để làm nhà kính, nhà lưới, hệ thống giàn treo và các máy móc sản xuất hiện đại
Để chủ động nguồn giống hoa chất lượng, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, các nhà nông ở Xuân Quan đang từng bước cải tiến quy trình kỹ thuật, đầu tư khoa học kỹ thuật gieo ươm sản xuất cây giống và lai ghép ra nhiều giống hoa cây cảnh mới, giá trị thẩm mỹ cao. Nhờ sự sáng tạo, khéo léo và táo bạo ứng dụng công nghệ cao của người trồng hoa, hoa Xuân Quan đẹp, bền có tiếng, được xuất đi khắp các tỉnh, thành phố.

Gắn trồng hoa với du lịch sinh thái

Cách TP. Hà Nội chỉ 25 km, làng hoa Xuân Quan thu hút rất nhiều khách đến thăm vào dịp cuối tuần. Người Xuân Quan cũng đón tiếp khách tới với thái độ nhiệt tình, thân thiện. Bây giờ, nhà vườn nào ở làng hoa Xuân Quan cũng bày bộ bàn uống nước rộng rãi ngay trong vườn hoa. Khách đến mua hoa, tham quan, chụp ảnh mệt có thể ngồi nghỉ tự pha nước uống, vừa nhâm nhi thư giãn, vừa thả sức thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn của thị giác, khứu giác, với cơ man hoa treo trên giàn, hoa còn dưới luống…

Con đường liên thôn cũng được làm lại thông thoáng, khang trang hơn nhiều. Bà con đã đóng góp 1.000 ngày công, tự nguyện đóng góp 1,2 tỷ đồng cùng hàng trăm m2 hiến đất làm đường. Đến với làng hoa, có thể đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.

Ông Đàm Mạnh Cường, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Quan bày tỏ: Để vựa hoa Xuân Quan trở thành điểm du lịch sinh thái như người trồng hoa ở đây mong muốn và đang biến thành hiện thực, mong lắm sự quan tâm, đầu tư cho Xuân Quan, không chỉ là đường giao thông phục vụ sản xuất, vận chuyển hoa cây cảnh, mà còn là hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện khiến du khách lưu luyến khi rời làng hoa và muốn được trở lại…

Làng nghề trồng hoa công nghệ cao ở Văn Giang ảnh 3
Hoa Xuân Quan đẹp, bền có tiếng, được xuất đi khắp các tỉnh, thành phố
Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết, để tạo đà cho làng hoa phát triển, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân được vay vốn; mời các nhà khoa học và các chuyên gia hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật (trồng, chăm sóc, bảo quản, nhân giống, lai ghép…), kết nối thị trường đầu ra; đầu tư xây dựng hạ tầng (hệ thống thủy lợi, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…).

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học tại địa phương về định hướng phát triển bền vững và sức tiêu thụ ngành sản xuất hoa; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, kiến nghị lên các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng giúp Xuân Quan sớm trở thành trung tâm sản xuất hoa, cây cảnh lớn của tỉnh, của miền Bắc và sớm công nhận thương hiệu “Làng hoa Xuân Quan”.
Theo langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm