Lai Châu chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch cho xuất khẩu

Lai Châu chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch cho xuất khẩu
Cây chè hiện là cây chủ lực của tỉnh Lai Châu giúp người dân thu nhập ổn định. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Cây chè hiện là cây chủ lực của tỉnh Lai Châu giúp người dân thu nhập ổn định. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Các thị trường này đòi hỏi việc xuất khẩu rất khắt khe trong vấn đề đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, đây là vấn đề các doanh nghiệp trong tỉnh luôn đặt lên hàng đầu khi bắt tay sản xuất, kinh doanh đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu sạch.

Các doanh nghiệp chú trọng xây dựng kế hoạch đảm bảo vùng nguyên liệu sạch như: cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn lịch phun, thời điểm, xây dựng bể chứa vỏ bao bì...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu Hà Văn Um cho biết, toàn tỉnh có diện tích chè trên 7.000ha, trong đó có trên 3.500ha chè kinh doanh; trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến chè đang hoạt động.

Sở đang giao cơ quan chức năng phối hợp các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc trừ cỏ; kinh doanh thuốc không có tên trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện sẽ cương quyết xử lý cơ sở vi phạm tránh trường hợp làm ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu chè.

Tuy nhiên, người dân vẫn còn xem nhẹ việc trang bị bảo hộ lao động khi phun thuốc, sử dụng thuốc bừa bãi, khi sử dụng xong không vứt đúng nơi quy định...

Nhiều diện tích chè ở Lai Châu sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Nhiều diện tích chè ở Lai Châu sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap.
Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Qua khảo sát của phóng viên tại một số đồi chè ở thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường, Tân Uyên, tình trạng bà con vẫn còn lén lút sử dụng thuốc diệt cỏ dại trong quá trình làm cỏ chè; có hộ sử dụng thuốc kích thích sau một lứa hái để giúp chè ra búp nhanh; có trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình của doanh nghiệp, thuốc không nằm trong danh mục cho phép lưu hành.

Một số doanh nghiệp đầu tư các bể chứa vỏ bao bì, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, nhưng nhiều hộ khi sử dụng xong vứt vương vãi ngay tại đồi chè... Việc này không chỉ ảnh hưởng độc hại trực tiếp đến sức khỏe người phun, môi trường, cộng đồng, sức khỏe người tiêu dùng mà ảnh hưởng việc xuất khẩu chè của các doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đưa sản phẩm chè có giá trị cao hơn, các doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh thường xuyên tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước, trao đổi thông tin yêu cầu đơn hàng để hợp tác. Doanh nghiệp trong tỉnh thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó có giải pháp tìm bộ thuốc cho phép được phun và gắn với quản lý vùng nguyên liệu như: bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện theo phương châm phun 4 đúng: “Liều lượng, loại thuốc, thời điểm phun, đúng bệnh”; luôn chủ động kiểm tra vùng nguyên liệu, dự báo sâu bệnh, kiểm tra phòng bệnh, phát hiện và cấp phát thuốc phun kịp thời.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường hướng dẫn bà con xã Bản Bo (huyện Tam Đường) sử dụng thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh trên cây chè. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường hướng dẫn bà con xã Bản Bo (huyện Tam Đường) sử dụng thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh trên cây chè. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trà Than Uyên chia sẻ, hiện nay, vùng nguyên liệu của công ty có 430ha chè và ký hợp đồng với hơn 300ha của các hộ; thị trường xuất khẩu chủ yếu sang các nước Trung Đông. Trong sản xuất chè, việc quản lý chất lượng sản phẩm nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Công ty đang áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó cung ứng các loại vật tư đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ trong danh mục được phép. Hàng năm mở lớp tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc; gắn việc chấp hành quy định về sử dụng thuốc trong danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép với giữ vững thương hiệu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân nâng cao nhận thức hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích trong quá trình chăm sóc, thu hái. Vận động người dân canh tác nương chè đảm bảo kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để chất lượng sản phẩm chè búp tươi khi đưa về nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu...

Bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng Phòng Nông nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường cho biết, công ty hiện có hơn 1.000ha chè liên kết với bà con. Thị trường xuất khẩu công ty chủ yếu ở Đài Loan và khách hàng đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, nhằm tạo ra sản phẩm chè sạch, công ty chú trọng xây dựng vùng nguyên liệc sạch ngay từ khâu dọn dẹp thực bì, hỗ trợ bà con máy cắt cỏ và khuyến cáo không sử dụng thuốc diệt cỏ. Công ty thường xuyên tổ chức tập huấn đến bà con về quy trình làm chè sạch; cử cán bộ phối hợp trưởng nhóm nông dân kiểm tra thăm nương định kỳ phát hiện sâu bệnh thông báo bà con phun thuốc.


Cây chè ở Lai Châu đã và đang khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực, do vậy doanh nghiệp và người dân phải liên kết cùng xây dựng, giữ cho vùng nguyên liệu sạch đảm bảo các tiêu chuẩn. Thương hiệu chè sạch Lai Châu ngày càng vươn xa, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
 
Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm