Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng

Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng
Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng ảnh 1
Cốm là đặc sản nổi tiếng nhất, đặc trưng nhất của mùa thu đất Bắc, nhất là mùa thu Hà Nội. Hạt lúa non được thu hoạch về, trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế như chính con người đất kinh kỳ. Cốm rang khéo sẽ có màu xanh nhạt tự nhiên, vị dẻo dẻo, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi như vị sữa. Cốm ra thành phẩm được gói trong lớp chiếc sen cuối mùa, bản to rộng, mùi ngan ngát nhè nhẹ. Món ăn giản dị, chấm cùng quả chuối chín vàng là đủ gói gọn hương sắc mùa thu trong lòng bàn tay. Ngoài cốm nguyên chất, người đầu bếp thủ đô còn nghĩ ra nhiều biến tấu như chè cốm, bánh cốm, xôi cốm hay cốm xào, món nào cũng ngọt ngào, khó quên.
Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng ảnh 2
Ngày nay, nhiều người thích sử dụng hồng ngâm, vị giòn ngọt, dễ ăn nhưng với các gia đình truyền thống thì mâm cúng thắp hương những ngày mùa thu không thể thiếu quả hồng đỏ chín mọng. Mùa hồng rất ngắn, chỉ khoảng vài tuần trước và sau lễ Trung thu. Quả hồng màu đỏ cam tươi rói, như chở mùa thu rực rỡ về khắp các phố phường. Quả có vị ngọt dễ ăn, mềm, thắp hương lại đẹp, đủ sắc màu cho mâm ngũ quả.
Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng ảnh 3
Các cụ xưa có câu: "Nắng tháng tám, rám trái bưởi", ám chỉ những ngày nắng khô hanh của mùa thu, cũng là thời điểm báo hiệu sắp thu hoạch những trái bưởi chín mọng. Bưởi có nhiều giống, thu hoạch gần như quanh năm nhưng loại bưởi truyền thống thì bắt đầu mùa ra trái cũng từ Rằm Trung thu. Quả bưởi lúc này vẫn còn vị hơi he he nơi đầu lưỡi nhưng mọng nước, bổ dưỡng, vị thanh mát, ngọt ngào.
Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng ảnh 4
Quả sấu chính là hiện thân của Hà Nội, dù là vào thời điểm nào trong năm. Tháng 4, hàng sấu trên đường Phan Đình Phùng thay lá khiến cả không gian chìm trong sắc vàng buồn xao xác. Tháng 6, từng gánh sấu xanh được toả đi các ngả, làm tô canh rau muống thêm vị chua thanh, mát rượi. Sấu xanh còn dùng để làm các loại ô mai với đủ kiểu chế biến như xào, dầm, ngâm... Mùa thu, hàng sấu chỉ còn rớt lại vài quả sấu chín nhưng cũng đủ khiến người sành ăn thòm thèm. Sấu chín ruột mềm, vỏ vàng nhạt, vị chua chua ngòn ngọt rôn rốt, chấm với đĩa muối ớt đường là đủ để xuýt xoa thương nhớ. Còn nếu khéo tay, bạn có thể cắt xoáy trôn ốc, dầm cùng muối, đường, ớt bột cho ngấm rồi từ từ nhâm nhi.
Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng ảnh 5
Rươi là loài động vật sống ở vùng đồng bằng châu thổ, quanh các con sông lớn ở miền Bắc. Sau những cơn mưa cuối mùa, rươi bắt đầu ngoi lên nhiều và vào mùa thu hoạch, khoảng tháng 9-10 âm lịch. Rươi có hình dáng khá đáng sợ nhưng qua bàn tay chế biến của người đầu bếp thì chúng trở thành món ăn ngon, nổi bật nhất là món chả rươi. Thịt rươi được xay nhuyễn, đánh cùng trứng, vỏ quýt, thịt xay... nên không ai còn nhớ tới hình thù "rùng rợn" của chúng nữa. Sau khi được rán chín vàng, người ta ăn chả rươi kèm với rau sống, chấm với nước mắm chua ngọt đậm đà. Hiện nay, do nhiều người thích chả rươi nên các nhà hàng thường mua rươi đúng mùa về đông đá dùng dần.
Đặc sản mùa thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ nao lòng ảnh 6
Hẳn ai cũng thuộc nằm lòng câu vè từ lúc bé thơ: "Thị thơm thị rụng bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn". Quả thị không dùng để ăn mà chỉ dùng hương sắc để làm đẹp cho đời. Gánh thị thơm nồng nàn xuất hiện giữa nội thành như một điều hiếm hoi, lạ lẫm nhưng đầy hoài niệm, gợi mở kỷ ức về tuổi thơ êm đềm của mỗi người. Ngày nay, để kiếm được một hàng bán thị ở Hà Nội rất khó, thường bạn sẽ phải len lỏi vào những khu chợ truyền thống và thường chỉ bán quanh ngày Rằm, mùng Một.

Theo ngoisao.net

Có thể bạn quan tâm