Cộng đồng người Bahnar chăm sóc, bảo vệ cây trắc quý hiếm

Cộng đồng người Bahnar chăm sóc, bảo vệ cây trắc quý hiếm
Chính quyền địa phương huyện Chư Păh đến thăm một vườn trắc trong diện tích rẫy của người dân. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Chính quyền địa phương huyện Chư Păh đến thăm một vườn trắc trong diện tích rẫy của người dân. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Nõ (56 tuổi, Già làng làng Mor, xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh) cho biết: Những cây trắc này có từ khi ông còn là thanh niên. Hồi đó, bà con vào đây khai hoang, phát rừng làm rẫy, thấy cây trắc con mọc nhiều, họ để lại không chặt bỏ. Đến nay, quần thể trắc này vẫn được dân làng bảo vệ, chăm sóc trong vườn rẫy nhà mình.

Trắc là gỗ nhóm 1 ở Việt Nam, thuộc loại gỗ quý hiếm. Cây trắc phát triển tương đối chậm, lúc nhỏ chịu bóng, lớn lên ưa sáng. Những cây trắc ở huyện Chư Păh này có tuổi đời từ 20-25 năm, cây cao khoảng hơn 10m, đường kính khoảng 50-60cm. Với tuổi này, trắc chưa khai thác gỗ được. Do vậy, khi trắc mọc trong vườn rẫy của người dân, họ không thể trồng xen canh với các loại cây khác, hoặc chỉ trồng được bời lời khi cây tầm 10-15 năm tuổi.

Anh Trà (dân tộc Bahnar, sống tại làng Mor, xã Đăk Tơ Ver) cho biết: Gia đình có 1,5 ha rẫy, trong đó có khoảng 20 cây trắc 20-25 tuổi mọc tự nhiên. Cây lớn, đã phát tán, tầng dưới không có nắng nên không trồng xen canh được. Biết rằng sẽ hạn chế về sản xuất và kinh tế, tuy nhiên để bảo tồn nguồn gen gỗ quý hiếm, gia đình anh không chặt bỏ.

Gia đình anh Run (làng Mor, xã Đăk Tơ Ver) cũng có 100 cây trắc khoảng 20 năm tuổi mọc trong rẫy. Cũng giống như những gia đình khác trong xã, anh không chặt bỏ hoặc bán cho thương lái mặc dù đã rất nhiều lần thương lái từ nhiều nơi về hỏi mua. Vì rẫy xa nhà, anh Run phải thường xuyên đi kiểm tra, chăm sóc. Tuy nhiên, vẫn có những cây trắc bị chặt trộm. Sau vụ trộm, anh thường xuyên tuần tra vườn rẫy của mình và tuyên truyền mọi người thắt chặt hơn công tác canh gác, bảo vệ cây trắc.

Cây trắc khoảng 20 năm tuổi mọc trong vườn nhà anh Trà, người dân tộc Bahnar, làng Mor, xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Cây trắc khoảng 20 năm tuổi mọc trong vườn nhà anh Trà, người dân tộc Bahnar, làng Mor, xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Không chỉ người dân tự bảo vệ, nuôi giữ cây trắc trong vườn, đây cũng là nhiệm vụ chung của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Tại các buổi họp làng, UBND xã Đăk Tơ Ver đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng, đặc biệt là quần thể trắc trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver Cao Phi Văn, chính quyền địa phương thường xuyên vận động, tuyên truyền để bà con hiểu được giá trị kinh tế và việc bảo vệ quần thể trắc này. Đồng thời, xã tăng cường lực lượng bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, ngăn chặn đối tượng xấu trà trộn trộm cây trắc.

Cây trắc muốn khai thác lấy gỗ, mang giá trị kinh tế phải có tuổi đời khoảng 50 năm. Những vườn trắc tại Chư Păh chỉ mới được khoảng 20-25 năm chưa có lõi để khai thác gỗ. Người dân nơi đây có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn gen gỗ quý hiếm, không phá bỏ để trồng các loại cây công nghiệp. Tuy nhiên, đời sống kinh tế của họ gặp nhiều khó khăn.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Păh Bùi Quang Thịnh cho biết: Lực lượng Kiểm lâm huyện đang rà soát, thống kê số lượng cây trắc trên địa bàn, trên cơ sở đó đề xuất chính sách hỗ trợ chi phí cho người dân trong công tác bảo vệ rừng. Vì lượng cây trắc này mọc trong diện tích vườn rẫy nhà dân, lực lượng Kiểm lâm không có những cơ chế bảo vệ đặc thù. Tuy nhiên, với trách nhiệm bảo vệ rừng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, Hạt Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng huyện tuần tra, kiểm soát khu vực có nhiều cây trắc mọc, vận động bà con gìn giữ nguồn cây gỗ quý hiếm này.

Không chỉ riêng Đăk Tơ Ver mà cả 5 xã trên địa bàn huyện Chư Păh cũng có số lượng trắc mọc nhiều. Trắc ở đây không mọc tập trung mà phân bố rải rác trong các vườn rẫy của những hộ gia đình người Bahnar. Với ý thức bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sinh thái, cộng đồng người Bahnar ở Chư Păh đang cùng chung tay, đoàn kết gìn giữ từng cây trắc quý hiếm.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm