Cay nồng mứt gừng Tết phường Kim Long xứ Huế

Cay nồng mứt gừng Tết phường Kim Long xứ Huế
Công đoạn thái mỏng gừng được làm thủ công từ bao đời nay ở làng nghề truyền thống mứt gừng Kim Long. Ảnh: Mai Trang-TTXVN
Công đoạn thái mỏng gừng được làm thủ công từ bao đời nay ở làng nghề truyền thống mứt gừng Kim Long. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Về phường Kim Long những ngày tháng Chạp, mùi thơm của mứt gừng đã phảng phất khắp lối xóm. Mứt gừng nơi đây là loại mứt khô bởi những gia đình truyền thống ở Huế vẫn thường “sính” loại mứt giòn và ráo. Sở dĩ mứt gừng xứ Huế “nức tiếng” gần xa là do không cần chất tạo màu, tạo mùi hay chất bảo quản nhưng vị ngon bao đời nay vẫn vậy, cay nồng, ngọt thanh. Được làm từ củ gừng tuyển chọn nơi vùng đất đồi Tuần pha sỏi phía Tây Bắc thành phố Huế, mứt gừng Huế tuy không to nhưng lại tươi non đủ độ, có vị cay đậm đà và thơm hơn hẳn những nơi khác.

Rim gừng dưới lửa củi cháy nhỏ và phải được đảo đều tay để tránh cháy khét, gừng vón cục. Ảnh: Mai Trang-TTXVN
Rim gừng dưới lửa củi cháy nhỏ và phải được đảo đều tay để tránh cháy khét, gừng vón cục. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Các hộ dân làm mứt gừng Huế tại Kim Long tiết lộ, loại gừng được sử dụng chế biến phải là gừng thu hoạch vào cuối năm, không quá xơ già cũng không quá non để có vị cay nồng đến độ. Sau khi được gọt sạch, thái mỏng đều tay, gừng được ngâm cùng chanh và quất để miếng gừng sạch, vàng đẹp. Sau đó, gừng tiếp tục được luộc vừa chín tới.

Công đoạn rim gừng giúp nước đường thấm đều từng miếng gừng, tạo nên vị ngọt thanh, cay nồng đặc trưng của mứt gừng xứ Huế. Ảnh: Mai Trang-TTXVN
Công đoạn rim gừng giúp nước đường thấm đều từng miếng gừng, tạo nên vị ngọt thanh, cay nồng đặc trưng của mứt gừng xứ Huế. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Ông Nguyễn Văn Dân, người đã có 32 năm trong nghề làm mứt tại đây, cho biết, công đoạn quan trọng và khó nhất quyết định hương vị đạt chuẩn của mứt gừng Huế là trộn đường và rim gừng. Từng miếng gừng được trộn đều với đường trắng đem nấu chậm, liu riu dưới lửa củi nhỏ để nước đường chảy vàng óng thấm dần vị ngọt vào miếng gừng cay.
Đãi khô mứt gừng để miếng gừng duỗi thẳng, không dính vào nhau. Ảnh: Mai Trang-TTXVN
Đãi khô mứt gừng để miếng gừng duỗi thẳng, không dính vào nhau.
Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Dù phương pháp chế biến hoàn toàn thủ công và sử dụng nhiên liệu củi theo truyền thống tốn nhiều thời gian, công sức nhưng người làm mứt xứ Huế vẫn “chung thủy” với cách làm này để lưu giữ hương vị đặc trưng của sản phẩm địa phương. Lửa củi cháy nhỏ, chậm trong thời gian dài cùng việc đảo gừng liên tục, đều tay giúp đường thấm đượm vào từng miếng gừng, tạo nên vị cay cay ngọt ngọt rất riêng của mứt gừng Huế.

Đãi khô mứt gừng để miếng gừng duỗi thẳng, không dính vào nhau. Ảnh: Mai Trang-TTXVN
Đãi khô mứt gừng để miếng gừng duỗi thẳng, không dính vào nhau.
Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Công đoạn tiếp theo quyết định thẩm mỹ sản phẩm là đảo đều sau khi gừng được đổ ra khay. Nhờ công đoạn này, từng miếng mứt gừng duỗi thẳng đẹp mắt và được tách ra, không đóng cục với nhau. Mứt gừng ráo khô một cách tự nhiên, trở nên giòn rụm và được đóng gói cẩn thận trước khi đưa đi tiêu thụ khắp các vùng miền.

Mứt gừng truyền thống xứ Huế “được lòng” nhiều người, không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân Thừa Thiên- Huế mà còn bán rất chạy tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Ông Dân cho hay, hằng năm, gia đình ông gồm 7 người cùng làm được 2-2,2 tạ mứt gừng dịp Tết. Để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, gia đình ông nhập thêm loại gừng Lao Bảo (Quảng Trị) làm mứt. Tuy nhiên, mứt gừng Huế vẫn bán “chạy” hơn cả. Giá bán số lượng lớn cho các cơ sở kinh doanh là khoảng 50.000 đồng/kg đối với mứt gừng Lao Bảo và 80.000 đồng/kg đối với mứt gừng Huế.

Mứt gừng Kim Long được đóng gói cẩn thận trước khi được đem đi tiêu thụ khắp các vùng miền. Ảnh: Mai Trang-TTXVN
Mứt gừng Kim Long được đóng gói cẩn thận trước khi được đem đi tiêu thụ khắp các vùng miền. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Người dân Cố đô thường đón Tết trong tiết trời se se lạnh. Vậy nên, nhâm nhi miếng mứt gừng, thưởng thức trà đắng và ngâm nga đôi ba bài thơ, câu đối trở thành nét đẹp đặc trưng ngày Tết xứ Huế. Cũng vì thế, mứt gừng - món ăn ngày Tết mang ý nghĩa cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc - được nhiều người dân Cố đô đặc biệt chọn lựa để tặng người thân, khách quý thay lời chúc đầu năm mới.

Mứt gừng Huế mang đặc trưng không nơi nào có được, tạo nên thương hiệu riêng cho làng nghề truyền thống mứt gừng Kim Long. Điều đó lý giải vì sao dù trên thị trường có nhiều loại bánh kẹo, mứt cao cấp nhưng vẫn không thể  giành được vị thế của mứt gừng xứ Huế. Cứ như vậy, lửa bếp của hàng chục hộ dân phường Kim Long vẫn không thôi đỏ lửa mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Mai Trang

Có thể bạn quan tâm