Các làng bánh truyền thống Quảng Ngãi vào vụ Tết Mậu Tuất 2018

Các làng bánh truyền thống Quảng Ngãi vào vụ Tết Mậu Tuất 2018
Công đoạn đúc bánh thuẫn. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Công đoạn đúc bánh thuẫn. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
    
Đến xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, mùi thơm của những chiếc bánh thuẩn thuần khiết, bình dị mà đậm đà, lan tỏa khắp nơi. Tết như đang về rất gần. Bánh thuẩn được làm theo một công thức riêng gồm có trứng, bột, đường cát trắng, mè, gừng. Các nguyên liệu này sẽ được cho vào thùng để đánh cho đến khi quyện vào nhau, dậy hương thơm và chuyển màu vàng nhạt là được. Bà Trần Thị Nguyệt, thợ làm bánh thuẩn chia sẻ: “Việc này đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, vì đây là công đoạn quan trọng để quyết định một phần chất lượng, độ nở và màu sắc của bánh khi ra lò. Bột đánh đạt yêu cầu sẽ được chuyển đến cho những người thợ phụ trách công đoạn đổ bánh. Thường phụ trách công đoạn này là những người phụ nữ. Tất cả các công đoạn đều được sản xuất nhịp nhàng, theo một quy trình thủ công. Cùng với trộn bột, công đoạn đổ bánh đòi hỏi phải có kinh nghiệm từ việc cho bột vào khuôn đến canh từng ngọn lửa để bánh trong khuôn chín và nở đều. Nếu không có kinh nghiệm, bánh sẽ dễ bị nhão, không nở hoặc cháy sém”. 
          
Công đoạn khuấy bột. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Công đoạn khuấy bột. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN

Chính những bí quyết làm bánh gia truyền, cộng với việc lựa chọn các nguyên liệu kỹ càng khiến cho những chiếc bánh thuẩn vừa bỏ ra khỏi khuôn đã mang một hương vị rất ngon và làm nên một sức sống riêng của bánh thuẩn cổ truyền. Đặc biệt, điều khiến nhiều người tin dùng đó là bánh thuẩn không không pha thêm bất kỳ một phụ gia nào khác ngoài các nguyên liệu trên. Mấy chục năm gắn bó với nghề truyền thống rồi lưu truyền lại cho con cháu trong gia đình, bà Nguyễn Thị Phô, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, vẫn luôn dặn dò con cháu: Không vì lợi nhuận mà đánh mất hương vị truyền thống của gia đình, mọi công đoạn phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Cuộc sống dẫu có thăng trầm vẫn phải giữ lấy cái nghề. Cho dù trên thị trường có vô vàn các loại bánh đa dạng mẫu mã, bánh thuẩn truyền thống vẫn có một giá trị, chỗ đứng riêng trong Tết cổ truyền của người Quảng Ngãi. 
          
Công đoạn hơ nóng bánh trên bếp than nóng. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Công đoạn hơ nóng bánh trên bếp than nóng. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN

Công đoạn đúc bánh. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
Công đoạn đúc bánh. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN

Bánh thuẩn thơm ngon, độ xốp vừa phải và độ giòn đặc biệt là một trong những đặc sản của xứ Quảng mà không nơi nào có được. Chính sự tinh khiết của bột, vị béo, thơm của trứng, vị ngọt ngào của đường cát, cùng hương thơm của mè và gừng đã làm nên sức sống của bánh thuẩn. “Đối với những người con đất Quảng, đây là món quà có ý nghĩa rất lớn để thành kính dâng lên ông bà tổ tiên và không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Trong những năm gần đây, bánh truyền thống đang được nhiều người ưa thích trở lại, thị trường tiêu thụ của bánh thuẩn ngày càng rộng rãi hơn. Không chỉ ở Quảng Ngãi mà bánh còn được mang đi khắp nơi để làm quà biếu”, bà Lê Thị Công, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức cho biết. 
          
Tại xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi, người dân cũng đang tấp nập với các công đoạn để làm mứt gừng phục vụ dịp Tết cổ truyền. Một mẻ mứt gừng thơm ngon, bắt mắt đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Gừng tươi mua về rửa sạch, cạo vỏ, rồi bào mỏng, sau đó luộc qua và xả nhiều lần với nước cho bớt vị cay. Sau đó, gừng được ướp đường, rim cho đến khi mứt khô. Một mẻ mứt sau vài giờ rim trên lửa than mới xong. Trong những công đoạn làm mứt, rim mứt được xem là công đoạn khó nhất, vì nếu không quen tay, mứt gừng sẽ không khô hoặc bị cháy. Người rim phải túc trực để canh chừng củi lửa, đảo chảo gừng thường xuyên cho thật đều tay. Chị Phan Thị Phương, xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ: “Mình phải canh lửa rất kĩ, nếu không đủ lửa, gừng sẽ bị sần, còn đỏ lửa quá, gừng sẽ bị cháy. Đường cũng phải cho vừa đủ, lát gừng mới đẹp. Mình phải thường xuyên đảo qua đảo lại nếu không đảo sẽ bị cháy hết mẻ gừng”. 
          
Sự lựa chọn kỹ càng từ khâu nguyên liệu, cộng với những công thức chế biến riêng đã tạo nên một hương vị khá đặc trưng cho mứt gừng truyền thống do người Quảng Ngãi làm, được các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn, người dân yêu thích. Với thị trường tiêu thụ rộng, trung bình mỗi cơ sở sản xuất khoảng 10 tấn mứt gừng mỗi năm, đảm bảo một cái Tết no đủ cho nhân công. Bà Trần Thị Mỹ Dung, xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi cho hay: Gừng chủ yếu lấy từ các tỉnh Tây Nguyên vì gừng ở những địa phương này có độ cay nồng, thơm ngon đậm đà, mứt lại săn chắc, ít hao hụt khi chế biến. Năm nay, mứt gừng dao động trong khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg, tùy vào mẫu mã của từng sản phẩm. Công việc sản xuất mứt gừng truyền thống trải qua nhiều công đoạn kỳ công, vất vả nên thường đòi hỏi phải có nhiều nhân công lao động. Đây cũng là dịp chị em tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho những ngày Tết sắp tới. 
          
Cận Tết, hương thơm từ những làng bánh, làng mứt truyền thống đã đánh thức ký ức của mỗi người con đất Quảng về những cái Tết xưa nghèo khó mà ấm cúng, thôi thúc những người con xa quê tìm về quê hương vui Xuân, đón Tết cùng ông bà tổ tiên. 
          Đinh Thị Hương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm