Cà Mau phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực

Cà Mau phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực
Nghề gác kèo ong nổi danh là đặc trưng văn hoá của người dân đất rừng U Minh Hạ. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Nghề gác kèo ong nổi danh là đặc trưng văn hoá của người dân đất rừng U Minh Hạ. Ảnh: Thế Anh - TTXVN

Để tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh trong tương lai, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực tạo lập và phát triển thương hiệu của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương thông qua các dự án cụ thể, kể cả việc chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua Cà Mau. Cùng với đó là hướng dẫn và thực hiện thí điểm dự án truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa, tôm, cua...

Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng bảo hộ được 10 nhãn hiệu tập thể gồm: mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, mắm lóc Thới Bình, cá chình - cá bống tượng Tân Thành, bồn bồn Cái Nước, cá khoai Cái Đôi Vàm, chuối khô Trần Hợi, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau và 3 nhãn hiệu được chứng nhận đó là gạo một bụi lùn, gạo tép hành, gạo tài nguyên đục.

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ là đặc sản nổi danh, quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ là đặc sản nổi danh, quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Ảnh: Thế Anh - TTXVN

Các nhãn hiệu nói trên đã được cơ quan chức năng tỉnh công bố và giao quyền sử dụng cho các Hợp tác xã, Hội Nông dân, Hội Thủy sản và Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Cà Mau quản lý khai thác sử dụng.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ còn hướng dẫn cho hơn 1.000 tổ chức, cá nhân nộp đơn bảo hộ cho các sản phẩm; qua đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp hơn 800 giấy chứng nhận bảo hộ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước đã góp phần nâng cao giá trị đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của Cà Mau, quy mô sản xuất các mặt hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm đặc sản Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Bên cạnh đó, một số sản phẩm, hàng hóa không đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng có sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể được bảo hộ.
Kim Há

Có thể bạn quan tâm