Bánh Nẳng lắng đọng hương đồi

Bánh Nẳng lắng đọng hương đồi
Cô giới thiệu, đây là sản phẩm của làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ngồi vào quán, tôi vừa thưởng thức món bánh quê vừa được nghe người bán hàng kể chuyện. Câu chuyện cổ tích xưa qua lời kể của cô bán hàng càng làm cho hương vị bánh Nẳng thêm đậm đà, ý nghĩa.

Chuyện kể rằng, vùng quê có cô gái tuổi đã đôi mươi, nhưng chưa có người để ý đến. Một hôm đi làm vườn thấy mệt, cô ngồi tựa gốc cây mà thiếp đi. Trong mơ cô gặp bụt hiện lên truyền dạy: Con lấy các loại cây trên đồi đốt lấy tro rồi ngâm với gạo nếp, sau lấy lá dong gói lại đem luộc kỹ. Bánh chín nhừ chấm với mật mía đem mời dân làng ăn thì sẽ được như ý. Cô gái làm theo, quả nhiên có được chiếc bánh nhỏ xinh, thơm ngon, ai ăn cũng thấy thích. Bánh ban đầu có tên là bánh Nắng vì được làm từ tro của các loại cỏ cây ưa nắng trên đồi. Nhờ hương vị đặc trưng nên bánh Nắng được mọi người gần xa đều biết. Đúng như lời bụt dặn, nhờ chiếc bánh Nắng mà cô gái đã gặp được một chàng trai ưng ý rồi nên duyên vợ chồng. Chiếc bánh Nắng đã trở thành nhịp cầu kết nối hạnh phúc. Về sau, cô gái truyền lại cách làm bánh cho người dân trong làng. Lâu dần bánh Nắng được mọi người gọi chệch đi thành bánh Nẳng.

Bánh Nẳng lắng đọng hương đồi ảnh 1
Đặc sản bánh Nẳng làng Dòng được bày bán phục vụ du khách thập phương về dự Lễ hội Đền Hùng
Câu chuyện được truyền miệng trong dân gian kết thúc có hậu ngọt ngào như chính hương vị bánh Nẳng đằm sâu trong mật mía sánh mịn. Nhìn chiếc bánh đơn sơ là vậy, nhưng khi hỏi về cách làm bánh mới thấy được sự kỳ công của các bà, các mẹ ở vùng quê trung du đất Tổ. Người làng Dòng phải leo lên trên triền đồi chặt các loại cây như thừng mực, gió rừng, núc nác, cỏ tranh… đem về đốt lấy tro. Nước tro được gạn lọc cẩn thận đem ngâm với gạo nếp. Điều tạo nên màu sắc, hương vị đặc trưng chính là nhờ công đoạn ngâm gạo với nước tro. Để cân đối tỷ lệ gạo, nước phù hợp đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nếu không bánh sẽ bị hăng, màu không đẹp.

Gạo đã được ngâm kỹ vớt ra để ráo nước, sau đó gói gạo trong lá dong tươi. Những chiếc bánh thành phẩm chỉ dài hơn một gang tay được quấn dây cẩn thận. Khi luộc bánh phải đun thật kỹ cho hạt nếp chín nhừ quện vào nhau. Bánh khi bóc ra phải mềm nhuyễn, nhưng vẫn còn hình thon dài  của hạt gạo và không dính lá. Màu của bánh phải vàng như mật ong, trong như hổ phách. Khi ăn, thực khách dùng dây buộc cắt thành từng lát hoặc lấy thìa xắn ra từng khúc. Người làng Dòng dùng mật mía nấu sánh chấm với bánh để tạo hương vị đậm đà. Khi ăn, người dùng gắp từng lát bánh lăn qua bát mật mía. Những lát bánh như được đằm mình trong lớp áo màu cánh gián sánh mịn. Thực khách ăn bánh Nẳng phải ăn từ từ để thưởng thức được vị thanh mát, ngọt ngào của bánh, cảm nhận hương thơm thoang thoảng dịu nhẹ của cỏ cây núi đồi.

Người làng Dòng vốn chịu thương chịu khó. Thế nên đất cũng chẳng phụ công người, bồi phù sa cho hạt nếp vàng tròn mẩy. Nắng gió núi đồi cho cây lá thêm xanh tốt. Để rồi qua bàn tay khéo léo của người dân quê, từng nhánh cây ngọn cỏ, từng hạt gạo nếp thơm, từng giọt mật sánh vàng đã hòa quyện vào nhau thành món bánh thơm ngon, hấp dẫn. Món quà quê ấy như chất chứa cả tình đất, tình người nơi thôn quê xóm vắng, trở thành đặc sản quê hương để ai đã từng thưởng thức sẽ mãi nhớ về bánh Nẳng lắng đọng hương đồi quê cha đất Tổ.
Theo qdnd.vn

Có thể bạn quan tâm